Chủ động nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng cao

Cập nhật: 25-11-2021 | 08:17:47

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, Sở Công thương Bình Dương đang chủ động triển khai các giải pháp ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân tăng cao dịp cuối năm.

Ổn định hoạt động thương mại

Từ đầu quý II-2021, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực thương mại khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng qua tăng trưởng thấp. Lũy kế 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 210.243 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực thương mại trong tình hình mới, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các địa phương triển khai nhiều giải pháp ổn định hoạt động thương mại. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết để từng bước đưa hoạt động thương mại trở lại trong trạng thái bình thường, sở đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động, khôi phục hệ thống phân phối hàng hóa sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đến nay UBND các huyện, thị, thành phố đã cơ bản hoàn thành thẩm định phương án của 17 chợ hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary

Cùng với đó, Sở Công thương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 103 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các huyện, thị thành phố trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nguồn cung các mặt hàng tại các hệ thống phân phối trong thời gian cao điểm dịch bệnh Covid-19 cũng như hiện tại đáp ứng đầy đủ. Song song đó, để duy trì hoạt động, đặc biệt là từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp thương mại, người kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như khách mua hàng trong hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các địa điểm kinh doanh trong hệ thống phân phối hàng hóa đã triển khai quét mã QR đối với người dân đến mua sắm hàng hóa thông qua ứng dụng Bluzone/PC-Covid-19…

Ghi nhận tại các doanh nghiệp bán lẻ cho thấy, trước nhu cầu cao trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp một mặt duy trì thời gian bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng, thu ngân, để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp bảo đảm dự trữ gấp 3 lần so với các tháng trước, cung cấp đủ cho thị trường Bình Dương ít nhất trong vòng 3 tháng tới. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động thương mại đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, triển khai bán hàng trực tuyến sáng tạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Tăng khả năng cung ứng

Từ giữa tháng 9 đến nay, hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường Bình Dương được phục hồi nhanh chóng, các kế hoạch cung ứng, nhất là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đang được các nhà bán lẻ khẩn trương dự trữ. Ông Phạm Hữu Chí, Giám đốc Siêu thị Big C Dĩ An, cho biết để chuẩn bị cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm, siêu thị đang tiếp tục kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và các phương án cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Theo đánh giá của ông Chí, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng như nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, ảnh hưởng đến các mặt hàng tiêu dùng khác. Hơn nữa, hiện đang vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa tăng cung ứng cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán cũng tăng. “Với tinh thần bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án huy động nguồn cung, kể cả các phương án dự kiến nếu dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới”, ông Chí nói.

Thông tin từ các doanh nghiệp bán lẻ như Lotte Mart, Co.opmart, MM Mega Market, cho biết đến thời điểm này các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hóa, có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn với tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng đã triển khai các chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của ngành công thương, thị trường hàng hóa thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.

Theo Sở Công thương, hiện nay Bình Dương đang hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, tình hình lưu thông hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sức mua bắt đầu tăng trở lại. Để giải quyết bài toán cân bằng cung cầu, bình ổn giá đến cuối năm, Bình Dương có thể tự cân đối được nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 2,6 triệu dân trên địa bàn. Riêng đối với các sản phẩm như gạo, rau ngoài khả năng cung ứng từ nguồn sản xuất nội tỉnh, các đơn vị kinh doanh cũng chủ động nguồn cung hỗ trợ từ ngoài tỉnh. Với kinh nghiệm ứng phó, các giải pháp cung ứng hàng hóa từ doanh nghiệp bán lẻ hiện đại đến chợ truyền thống, kết hợp cùng các chương trình bình ổn, thị trường hàng hóa sẽ được giữ ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=638
Quay lên trên