Chủ động phát hiện, xử lý tin giả trên mạng xã hội

Cập nhật: 22-09-2021 | 09:23:28

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, vấn đề phát hiện và xử lý các tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng cũng hết sức cam go. Thực tiễn đòi hỏi công tác này phải chủ động, không để những tin xấu phát tán, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.


Lực lượng chức năng xử lý một cá nhân thông tin sai sự thật trên MXH. Ảnh: PX03-CABD

Chủ động tác chiến trên không gian mạng

Nhằm chủ động trong công tác phát hiện, xử lý tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội (MXH).

Từ đầu mùa dịch bệnh đến nay, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát và đã phát hiện, xử lý 168 tài khoản MXH như Facebook, YouTube… đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật gây hiểu lầm về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc kịp thời phát hiện, xử lý nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra, ổn định tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới sự việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Trong trường hợp sở, ban, ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có). Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch bệnh có liên quan đến phạm vi quản lý để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng, chống dịch bệnh thực hiện nghiêm và đúng quy định của cấp có thẩm quyền. Có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Qua đó kịp thời phối hợp xác minh, thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng…

Thực hiện chỉ đạo trên, thời gian qua Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh cùng Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm liên quan đến tin giả trên MXH. Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ đầu mùa dịch bệnh lần thứ 4 đến tháng 9, qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 190.000 lượt tin, bài liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Trong đó có khoảng 33.000 lượt tin, bài có nội dung tiêu cực.

Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành rà soát, phát hiện, tham mưu Ban Chỉ đạo 35 tỉnh phát động đấu tranh phản bác, tháo gỡ các tài khoản đã đăng tải các chia sẻ, bình luận có nội dung, xấu độc; lập hồ sơ xử lý nhiều đối tượng, đồng thời khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ tin bài có nội dung sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Kịp thời xử lý vi phạm

Thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh cho biết, tính từ đầu mùa dịch bệnh đến nay, Phòng An ninh Chính trị nội bộ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát và đã phát hiện, xử lý 168 tài khoản MXH như Facebook, YouTube… đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật gây hiểu lầm về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc kịp thời phát hiện, xử lý đã hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra, ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như ngày 8-8- 2021, Phòng An ninh Chính trị nội bộ và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông triệu tập chị N., (sinh năm 1999), người đã đăng nhập tài khoản Facebook của mình có nickname là “Thắng Hân” để vào bình luận dưới một bài viết với nội dung: “Gán bu lại tiêm nhiều vào rồi chết chung cho vui An Phú tiêm vắc xin mới có 6 người ak trong 1 gia đình tiêm vắc xin chết 6 người”. Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh Chính trị nội bộ xác định đây là thông tin sai sự thật nên mời N. về trụ sở công an làm việc, yêu cầu tháo gỡ bài viết, ký cam kết không tái phạm.

Tiếp đó, Công an TP.Thuận An cũng đã mời làm việc đối với anh Nguyễn Thanh T. (quê Long An), chủ tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Toàn Bình Dương”. T. đã sử dụng tài khoản cá nhân đăng tải thông tin không đúng về chính sách an sinh xã hội của địa phương. Công an TP.Thuận An đã tiến hành xác minh thì xác định đây là thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tâm lý người dân nên đã mời anh T. làm việc. Tại cơ quan công an, anh T. thừa nhận việc đăng tải thông tin không đúng sự thật, không có căn cứ và chủ động gỡ bỏ bài viết, cam kết không tái phạm.

Theo Thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, nguyên nhân dẫn đến hành vi đăng tin sai sự thật là do một bộ phận nhỏ người dân, chủ yếu là công nhân lao động ở nhà do dịch bệnh, khi nghe các tin đồn hoặc các tin chưa được kiểm chứng, xác thực trên MXH về tình hình dịch bệnh cũng như dịch bệnh Covid-19 đã vội đăng tải, chia sẻ trên các tài khoản cá nhân, các trang MXH, nhóm cộng đồng… gây hoang mang, bất an trong dư luận.

“Nội dung các tin giả, tin sai sự thật chủ yếu là xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của địa phương; về cung cấp, hỗ trợ mua thực phẩm cho hộ dân trong khu vực phong tỏa; về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ... Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh phức tạp về ANTT, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị”, Thượng tá Vũ cho biết.

Theo quy định tại điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ- CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Trong khi đó theo quy định tại điểm n, Khoản 3, Điều 102 của nghị định này thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

 T.PHƯƠNG - N.PHỤNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên