Chủ động phòng chống bệnh Corynespora trên cây cao su: Hiệu quả thấy rõ

Cập nhật: 20-06-2013 | 00:00:00

Là huyện nông nghiệp, Phú Giáo có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, tiêu. Riêng diện tích cao su trên địa bàn huyện hiện nay hơn 34.600 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 26.720 ha, đa phần là cao su tiểu điền với hơn 20.000 ha. Một trong những vấn đề nan giải cần chú trọng là tình hình dịch bệnh trên cây cao su đang phát triển. Ngành bảo vệ thực vật của huyện luôn đề cao cảnh giác, tích cực, chủ động trong công tác phòng và chống bệnh trên cao su, đặc biệt là bệnh Corynespora nhằm hạn chế tối đa mức thiệt hại cho người dân.

Trình diễn kỹ thuật phun thuốc phòng trị bệnh Corynespora trên cao su tại xã Tam Lập

Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Phú Giáo cho biết: “Thời gian qua, người trồng cao su tiểu điền ở Phú Giáo luôn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh đe dọa đến năng suất như bệnh phấn trắng, đặc biệt là bệnh Corynespora. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, hàng năm Trạm BVTV xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt điều tra, khảo sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, qua đó nhằm triển khai các giải pháp cùng với người trồng cao su tiểu điền chung tay đối phó, kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”. Theo đó, hàng tháng, hàng quý, Trạm BVTV huyện ra thông báo về tình hình dịch bệnh trên cây trồng, nhất là cây cao su đến các xã - thị trấn; phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tổ chức các buổi phát thanh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người trồng cao su tiểu điền chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình bệnh hại để chủ động có phương án phòng chống kịp thời.

Cùng với công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh, Trạm BVTV huyện còn phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm về các biện pháp, phương pháp quản lý dịch hại trên cây cao su. Qua đó nhằm trao đổi, giải đáp và hướng dẫn cho nông dân các kỹ thuật về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây cao su, đặc biệt là những vườn cây đang thời kỳ khai thác. Thời gian qua, trước tình hình diễn biến của bệnh Corynespora khiến cho người trồng cao su tiểu điền lo lắng, Trạm BVTV huyện chủ động phối hợp cùng Công ty Syngenta, Công ty Cổ phần BVTV An Giang tổ chức triển khai các mô hình thí điểm, đối chứng trong phòng trị bệnh Corynespora để nông dân tham quan, đối chứng và học tập kỹ thuật, kinh nghiệm. Theo đó, mỗi năm Trạm BVTV huyện chọn mỗi xã một mô hình điểm trình diễn. Năm 2013, Trạm BVTV cũng đã chủ động tổ chức các đợt điều tra, khảo sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện. Qua đó, đã phát hiện, ghi nhận diện tích cao su bị nhiễm bệnh khoảng 200 ha với mức độ từ 5% đến 10%; trong đó địa bàn bị nhiễm nặng nhất là ở xã Tân Hiệp.

Nhờ sự tích cực chủ động của Trạm BVTV huyện cùng với tinh thần hợp tác của người nông dân, những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây cao su tiểu điền từng bước được kiểm soát, khống chế, từ đó giảm thiểu những thiệt hại về năng suất, sản lượng mủ của các vườn cao su. Có những khu vực trước kia từng được coi là “ổ dịch” bệnh Corynespora như ở Tam Lập thì đến cuối năm 2012 dịch Corynespora đã được “dập tắt” và đến đầu năm 2013 người dân đã khống chế được mối đe dọa này. Ông Nguyễn Trường Hải, cho biết: “Trước đây, Tam Lập là vùng dịch Corynespora trên cây cao su ở huyện Phú Giáo với 25% diện tích cao su bị nhiễm bệnh. Sau thời gian nỗ lực chống bệnh của người dân, đến nay tình hình dịch bệnh đã giảm khá mạnh xuống còn khoảng từ 5% đến 10%; diện tích vườn cao su nhiễm bệnh trước đây hiện đã và đang dần phục hồi trở lại. Bây giờ Tam Lập không còn là điểm nóng, thậm chí được coi là vùng “an toàn” về dịch bệnh Corynespora trên cao su ở Phú Giáo”.

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên