Chủ động phòng chống bệnh sởi trong trường học

Cập nhật: 05-09-2024 | 10:27:08

Theo lãnh đạo Sở Y tế, dự kiến trong tháng 9, Bình Dương sẽ tổ chức tiêm vắc xin sởi trong phạm vi toàn tỉnh cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi trước đó. Đây là “chiến dịch” nhằm chủ động phòng bệnh, bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường.

 Công tác khám bệnh cho trẻ tại trường học được các địa phương triển khai để bảo đảm sức khỏe cho các em bước vào năm học mới

 Chủ động phòng bệnh

Bình Dương nằm trong nhóm 18 tỉnh, thành có nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi cao. Hiện nay thời tiết chuyển giao với nhiều hình thái thất thường, trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt trong trường học, một trẻ nhiễm bệnh sẽ lây cho các bạn cùng lớp, cùng trường, tạo ổ dịch khó kiểm soát. Để chủ động phòng bệnh, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sởi, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Ghi nhận tại hệ thống các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh hiện đã củng cố hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm, chú trọng phát hiện sớm ca bệnh. Khi phát hiện trẻ sốt, phát ban, thầy cô cách ly, hướng dẫn gia đình tạm thời cho trẻ nghỉ học và đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, các trường cũng thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh như: Bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng tại các lớp học; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch…

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thành phố đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp với Trạm Y tế phường rà soát, cập nhật lại thông tin tiền sử tiêm chủng của học sinh tiểu học, trẻ mầm non

 ở các trường học công lập và ngoài công lập. Từ đó lập danh sách những trẻ chưa tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để kịp thời tiêm bù cho trẻ.

Qua trao đổi với P.V, ông Trần Vĩnh Liêm, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Dĩ An, cho biết để bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh trong năm học 2024-2025, phòng yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ mắc, lây lan dịch bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng và các bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường hô hấp. “Công tác phối hợp với ngành y tế theo dõi sức khỏe của trẻ mầm non, học sinh được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế địa phương phối hợp xử lý”, ông Liêm cho biết.

Trong khi đó tại TP.Bến Cát, các giáo viên đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Cô Phan Thị Ngọc Giàu, Hiệu trưởng trường Mầm non Hướng Dương, phường Mỹ Phước, TP.Bến Cát, cho biết nhà trường luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng tại các khu chức năng (lớp học, nhà vệ sinh, nhà ăn, nhà bếp); thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng chất sát khuẩn thông thường. “Ngoài ra nhà trường còn phối hợp trạm y tế rà soát, kiểm tra tiền sử tiêm chủng để tiến hành tiêm bù cho trẻ theo hướng dẫn”, cô Giàu cho biết thêm.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, cách phòng bệnh sởi tốt nhất và đặc hiệu nhất hiện nay là tiêm vắc-xin sởi cho trẻ. Người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

 Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ tại trường học ở TP.Dĩ An

Biện pháp hữu hiệu

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan mạnh với triệu chứng phổ biến là những vết ban trên da, kèm sốt cao, ho, chảy nước mắt, mũi. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín. Khi mắc bệnh sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong ở trẻ nhỏ. Phụ nữ mang thai khi mắc bệnh sởi có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9-11 tháng tuổi, tỷ lệ bảo vệ đáp ứng miễn dịch khoảng 80- 85%, nhưng khi trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi phòng bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Sẽ tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết “Dự kiến trong tháng 9, Bình Dương sẽ tổ chức tiêm vắc xin sởi trong phạm vi toàn tỉnh. “Chiến dịch” tổ chức lần này khác với trước đây, các đối tượng tiêm được mở rộng từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi trước đó. Vắc xin sởi sử dụng trong “chiến dịch” tiêm lần này là miễn phí, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp.

 KIM HÀ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=826
Quay lên trên