Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

Cập nhật: 30-03-2023 | 09:08:14

Đang là cao điểm mùa nắng nóng, nhìn lớp thực bì dày cộm trong rừng, chúng tôi cảm nhận được sự lo lắng của những người giữ rừng trước nguy cơ “bà hỏa” ghé thăm. Nhằm phòng ngừa xảy ra cháy rừng phòng hộ Núi Cậu và rừng lịch sử Kiến An (huyện Dầu Tiếng) trong mùa khô, những ngày này, lực lượng chức năng phải luôn trong thế chủ động.

 Nhằm bảo đảm cho công tác chữa cháy rừng, thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng ở huyện Dầu Tiếng thường xuyên tổ chức diễn tập chữa cháy rừng 

 Sẵn sàng đối mặt

Nắng nóng như “nung người” lúc trời đứng ngọ trong ngày cuối tháng 3, P.V có mặt tại rừng phòng hộ Núi Cậu, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Bước chân lên lớp thực bì của rừng, P.V cảm nhận lá khô gãy vụn, phát ra tiếng rào rạt theo từng bước chân. Chỉ tay về hướng Tiểu khu 15 thuộc rừng phòng hộ Núi Cậu, ông Lưu Tuấn Bằng, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu, cho biết đến tháng 3 này nhiều nơi độ dày của thực bì ở rừng gần 40cm. Nếu ai đó bất cẩn thì có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Theo ông Bằng, đến ngày 29-3, nguy cơ xảy ra cháy rừng phòng hộ Núi Cậu ở cấp độ V.

Ông Hồ Thanh Kế, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu, cho biết rừng phòng hộ Núi Cậu huyện Dầu Tiếng có diện tích hơn 3.652 ha. Khu rừng được chia thành 4 tiểu khu thuộc điểm giáp ranh giữa xã Minh Hòa và xã Định Thành của huyện Dầu Tiếng. Cụ thể Tiểu khu 13- 14 thuộc xã Minh Hòa, có trên 2.000 ha; Tiểu khu 15-16 thuộc xã Định Thành có trên 1.500 ha. Vào thời điểm những năm 1980, rừng Núi Cậu bị người dân khai thác gỗ đến cạn kiệt. Năm 1986, hồ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, từ đó khu rừng này được quản lý nghiêm và rừng đã dần hồi sinh, nhiều loại gỗ quý được tái sinh như gỗ trắc, dầu và gõ.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu xảy ra 2 vụ cháy và được lực lượng chức năng nhanh chóng dập tắt. Cụ thể, lúc 16 giờ 30 phút ngày 10-2 tại Tiểu khu 15, thuộc địa phận xã Định Thành xảy ra vụ cháy rừng. Nhận được tin báo, gần 300 người triển khai việc dập lửa. Sau 2 giờ đồng hồ tích cực dập lửa, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Trước đó, lúc 12 giờ 20 phút ngày 3-1, khu vực Suối Trúc thuộc rừng phòng hộ Núi Cậu, xã Định Thành xảy ra cháy. Phát hiện vụ việc, hơn 50 người của xã Định Thành phối hợp với lực lượng của nhiều đơn vị nhanh chóng dập tắt đám cháy sau 1 giờ đồng hồ.

Theo số liệu thống kê của đơn vị chức năng huyện Dầu Tiếng, sau 2 vụ cháy ước tính khoảng 1.600m2 rừng bị thiêu rụi là tre, trúc, bụi rậm.

Theo ông Kế, rừng Núi Cậu không chỉ giữ ẩm mà còn góp phần giữ mạch nước ngầm cho hồ Dầu Tiếng. Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu quản lý khoảng 3.600 ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Trong đó có trên 1.500 ha rừng phòng hộ Núi Cậu được đơn vị trực tiếp quản lý rất nghiêm; ngoài ra trên 2.100 ha rừng ở xã Minh Hòa đã giao cho người dân địa phương quản lý, canh tác cây cao su, điều.

Cũng theo ông Hồ Thanh Kế, hiện dưới chân Núi Cậu có gần 100 hộ dân sinh sống. Thời gian qua một số người dân thường xuyên vào rừng bẻ măng. Song song đó, vào thời điểm rằm hàng tháng, thứ 7 và chủ nhật có nhiều du khách đến viếng chùa Thái Sơn, tham quan Núi Cậu. Việc xuất hiện nhiều người dân ra vào rừng phòng hộ Núi Cậu để tham quan, du lịch có tổ chức nấu nướng gây nguy cơ xảy ra cháy rừng. Để phòng ngừa cháy, lực lượng chức năng ở hai xã Minh Hòa và Định Thành thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý rừng và Hạt kiểm lâm huyện Dầu Tiếng tổ chức tuyên truyền phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho người dân.

Song song đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu thay phiên nhau túc trực tại các điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy. “Đối với khu vực rừng có vị trí tiếp giáp chùa Thái Sơn, lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên có mặt để nhắc nhở

 người dân phòng ngừa xảy ra cháy. Để phát huy phương châm “bốn tại chỗ”, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu thường xuyên tổ chức diễn tập PCCC rừng”, ông Hồ Thanh Kế, Phó Giám đốc Ban bảo vệ rừng Núi Cậu chia sẻ.

Quyết tâm hạn chế xảy ra cháy

Ông Trần Quang Dũng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Dầu Tiếng, cho biết ngoài việc cùng các đơn vị liên quan bảo vệ rừng Núi Cậu, thời gian qua đơn vị này cắt cử lực lượng túc trực để PCCC rừng lịch sử Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Theo ông Dũng, mùa khô ở Bình Dương bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Trong thời gian 8 tháng mùa khô, rừng phòng hộ Núi Cậu và rừng lịch sử Kiến An có nhiều nguy cơ xảy ra cháy. Để bảo đảm cho việc chữa cháy, ngành chức năng của tỉnh đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị PCCC, đầu tư cơ sở hạ tầng tại rừng Núi Cậu và rừng lịch sử Kiến An.

Từ ngân sách Nhà nước, mới đây, rừng lịch sử Kiến An được xây 6.000m tường bao ở khu vực trọng yếu. Việc xây dựng tường bao có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý, ngăn ngừa người dân tự ý ra vào gây nguy cơ cháy rừng trong mùa khô. Ngoài ra, để có thêm lực lượng PCCC, Hạt kiểm lâm huyện Dầu Tiếng đã ký hợp đồng lao động với một số người dân ở xã An Lập tham gia tuần tra, tuyên truyền phòng ngừa cháy rừng. Để bảo đảm cho việc dập tắt đám cháy có hiệu quả, Ban Quản lý rừng lịch sử Kiến An cũng đã xây dựng nhiều bể chứa nước, lắp đặt hệ thống chữa cháy tại rừng.

Tại rừng Núi Cậu hiện đã xây dựng 2 tháp canh với độ cao 20m tính từ mặt đất trở lên. Hai tháp này được bố trí tại các điểm xung yếu để cán bộ dễ quan sát. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu đã triển khai làm đường băng cản lửa với chiều dài trên 73km, trong đó đường tuần tra rừng có trên 30km, đường băng PCCC rừng trên 43km. Hệ thống chữa cháy gồm 5 hồ dự trữ nước (24 khối nước/hồ); 5 bồn dự trữ nước (10 khối nước/ hồ); 5 ống cống dự trữ nước (10 khối nước/ống dẫn) được rải đều trên các địa điểm có nguy cơ xảy ra cháy…

Ông Hồ Thanh Kế, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu, cho biết trong mùa khô năm nay, lực lượng trực PCCC tại rừng Núi Cậu có 21 người, trong đó lực lượng của chủ rừng là 9; 12 người còn lại do đơn vị ký hợp đồng tham gia công tác PCCC trong 8 tháng mùa khô. Song song đó, thời gian qua, đơn vị chức năng đã đầu tư mở rộng 3 tuyến đường chính, 5 đường nhánh trên Núi Cậu. Theo ông Kế, khi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc chữa cháy được bảo đảm sẽ tạo thêm điều kiện cho công tác dập lửa khi vừa mới phát sinh.

Liên quan đến việc PCCC rừng Núi Cậu, Đại úy Trần Viết Long, Trưởng Công an xã Định Thành, cho biết thời gian qua mô hình PCCC rừng phòng hộ Núi Cậu ở địa phương hoạt động có hiệu quả. Mô hình này có trên 50 thành viên là dân quân, dân phòng, bảo vệ ấp, CA xã và các hộ dân có nhà dưới chân Núi Cậu tham gia. Để công tác PCCC rừng được bảo đảm, trong 3 tháng đầu năm 2023, xã Định Thành tổ chức 5 lượt tuyên truyền PCCC rừng với hơn 400 lượt người dân tham gia. CA xã Định Thành cũng đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và khuyến khích 944 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy. Đối với 57 hộ dân có cơ sở kinh doanh có điều kiện thuộc diện xã Định Thành quản lý, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, yêu cầu thực hiện đúng theo quy định về PCCC.

 THANH QUANG - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên