Chủ động phòng chống cúm A(H1N1)

Cập nhật: 07-06-2018 | 09:46:59

Những ngày qua, thông tin ghi nhận nhiều ca bệnh mắc cúm A(H1N1) tại TP.HCM được dư luận rất quan tâm. Để hiểu hơn về công tác phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn ngừa cúm A(H1N1) có thể lây lan đến Bình Dương, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế.

- Thưa bác sĩ, sau khi có thông tin xuất hiện ca bệnh mắc cúm A(H1N1) ở TP.HCM, ngành y tế Bình Dương đã có những động thái chủ động phòng chống như thế nào?

- Theo thông tin từ báo mạng, hiện nay tại Bệnh viện Từ Dũ đang cách ly 80 người để theo dõi sức khỏe vì nghi nhiễm cúm A(H1N1), trong đó có 16 trường hợp đã xác định dương tính với vi rút cúm A(H1N1). Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Bình Dương luôn chủ động, quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngay từ đầu năm 2018, thực hiện Kế hoạch 110/KH-UBND “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2018” và Kế hoạch 111/KH-UBND “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2018” ngày 11-1-2018 của UBND tỉnh, Sở Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch cúm A. Trong các văn bản này đều chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát ổ dịch cũ; phát hiện, xử lý hiệu quả các ổ dịch mới phát sinh; củng cố các đội cấp cứu lưu động, các đội phòng chống dịch; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện; tổ chức trực cấp cứu, trực phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra dịch, xử lý kịp thời, hiệu quả các bệnh nhân đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Đặc biệt vào tháng 4-2018, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh triển khai Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức chiến dịch cũng có tác động quan trọng trong việc phòng, chống dịch cúm A nói chung và cúm A(H1N1) nói riêng. Sở Y tế sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường hoạt động phòng chống dịch cúm vì Bình Dương là tỉnh giáp ranh TP.HCM, nguy cơ lan truyền dịch cúm rất cao.

- Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về sự nguy hiểm của loại cúm này trên người?

- Bệnh cúm A(H1N1) chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Bệnh gây ra bởi cơ thể nhiễm vi rút cúm A(H1N1), một loại vi rút cúm được phát hiện vào năm 2009 và đôi khi còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn (khác với chủng cúm A(H1N1) trước đó). Cúm A(H1N1) bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh.

Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26-5-2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009. Sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh được đẩy lùi trong các tháng đầu năm 2010 và đến tháng 7-2010, Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A(H1N1) trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2010 đến nay, cúm A(H1N1) - 2009 lưu hành thường xuyên và rộng khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam như các chủng vi rút cúm mùa khác. Kết quả giám sát trọng điểm qua các năm ghi nhận có khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với cúm A(H1N1). Kết quả nghiên cứu phân tích gen cho thấy chưa có sự biến đổi gen của chủng vi rút cúm A(H1N1)-2009. Hiện nay, cúm A(H1N1) dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Theo kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy, chủng vi rút cúm lưu hành hiện nay ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu là cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B. Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), nhưng những người nhiễm cúm A(H1N1) hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000 - 500.000 trường hợp tử vong do cúm.

- Để chủ động phòng, chống cúm A(H1N1) có thể lây lan từ TP.HCM đến Bình Dương, ngành y tế có những biện pháp như thế nào, thưa bác sĩ?

- Như đã nói ở trên, do Bình Dương giáp ranh với TP.HCM, nguy cơ lây lan dịch cúm A(H1N1) là rất cao. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H1N1) lây lan đến Bình Dương, ngành y tế sẽ: Tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, nhân lực, tổ chức trực phòng, chống dịch; thu dung, chẩn doán, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị; tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn trực tiếp, viết tin bài gửi báo, đài để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong các hoạt động tuyên truyền; phát hiện, xử lý dịch; thanh kiểm tra, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch sau khi Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường đã được triển khai trên địa bàn tỉnh vào tháng 4-2018.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

 HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=336
Quay lên trên