Chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Cập nhật: 06-04-2024 | 07:22:56

Mặc dù trên địa bàn Bình Dương chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên dịch bệnh đã được ghi nhận rải rác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ngành chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi và người dân cần tích cực chủ động phòng, chống nhằm hạn chế vi rút cúm gia cầm lây nhiễm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

 Cần vệ sinh, phun xịt khử trùng khu vực chăn nuôi thường xuyên nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

 Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau nhiều năm vắng bóng, cúm A/ H5N1 lại xuất hiện rải rác tại các địa phương. Đặc biệt, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, thay đổi bất thường, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành trong cả nước. Ngành chức năng nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan.

Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người, tuy nhiên, vi rút A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ khoảng 50%. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngày 25-3 vừa qua có 1 trường hợp ở tỉnh Khánh Hòa tử vong do cúm. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp nào tại Việt Nam.

Bình Dương hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 13 triệu con. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối ổn định, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh luôn bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và một phần cung ứng cho các tỉnh lân cận. Từ đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, đến nay chưa xảy ra bệnh cúm gia cầm.

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, mặc dù tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, nhưng hình thức chăn nuôi quy mô trang trại hiện chiếm tỷ lệ trên 70% với hơn 200 trang trại, công tác quản lý chăn nuôi gia cầm và tiêm vắc xin phòng bệnh thực hiện tương đối thuận lợi. Trong năm 2023, cơ quan thú y đã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đạt trên 90%. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ Sở NN&PTNT, cơ quan thú y các cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.

Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm; đồng thời có văn bản chấp thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch bằng nguồn ngân sách địa phương. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh... Ngoài ra, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về việc quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật, mang lại hiệu quả rất tích cực đối với công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm trong thời gian qua. Cùng với đó, hệ thống cơ quan thú y được tổ chức và duy trì ổn định từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp cơ sở tại tất cả các xã, phường, thị trấn là điều kiện thuận lợi nhất, quan trọng để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Chủ động phòng, chống

Ông Trần Phú Cường cho rằng cúm gia cầm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, chăn nuôi nông hộ vẫn còn đan xen với chăn nuôi quy mô trang trại nên dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh. Quá trình phát triển chăn nuôi gia cầm vẫn chưa gắn với công nghiệp chế biến toàn diện, chưa hình thành được các chuỗi dự án chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến.

 Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin ngừa cúm gia cầm để bảo vệ đàn vật nuôi

Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện, hạn chế vi rút cúm gia cầm lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ông Trần Phú Cường cho biết sẽ phối hợp các đơn vị, ban, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, trạm kiểm dịch đúng theo quy định. Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng vắc xin.

Mặt khác, chi cục sẽ phối hợp tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên các phương tiện truyền thông để người chăn nuôi biết và có biện pháp phòng, chống theo quy định. Đối với người dân, không nên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm để bảo vệ đàn vật nuôi, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm bệnh chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi.

 Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh khuyến cáo người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân; không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.

 PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=506
Quay lên trên