Chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do thiên tai

Cập nhật: 09-06-2021 | 07:43:01

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tình hình thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường. Bước vào mùa mưa bão năm nay, các địa phương, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nhằm chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khắc phục, hỗ trợ kịp thời

Trên địa bàn tỉnh, thiên tai chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong đó, lốc xoáy gây hư hỏng về nhà cửa, công trình, gãy đổ cây trồng thường xảy ra nhiều vào thời kỳ chuyển mùa; mưa lớn, triều cường gây ngập úng nhà cửa, lúa, hoa màu, đường giao thông xảy ra nhiều vào mùa mưa, các tháng cuối năm.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 trận thiên tai (12 trận mưa kèm dông lốc, 4 trận mưa lớn đến rất lớn, 1 đợt hạn hán, 6 đợt triều cường), gây thiệt hại, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 5,246 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) - tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các xã, phường, thị trấn có thiệt hại đã huy động lực lượng TKCN, đưa người bị thương đi cấp cứu, hỗ trợ người dân dọn dẹp hiện trường, sửa chữa nhà cửa, thực hiện thủ tục hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả. Trong năm 2020, thực hiện chi 23,76 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa công trình khẩn cấp; sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ PCTT, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ duy trì trạm đo mưa nhân dân...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng do đó các quy định, chính sách trong lĩnh vực PCTT được triển khai thực hiện sâu, rộng đến các cấp cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp PCTT và khắc phục hậu quả vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm dòng chảy tự nhiên, hành lang sông, suối, kênh rạch, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi còn diễn ra ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và hiệu quả công trình vẫn chưa được xử lý triệt để.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa chính thức bắt đầu từ nửa cuối tháng 4-2021. Tổng lượng mưa toàn mùa dao động từ 1.500mm - 2.000mm, ở mức xấp xỉ, có nơi cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó, các tháng 4, 5 tổng lượng mưa cao hơn TBNN từ 10 - 20%, tháng 6, 7 ở mức xấp xỉ TBNN, riêng tháng 8, 9 lượng mưa thiếu hụt từ 10 - 20% so với TBNN. Trong thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa có khả năng xuất hiện dông mạnh kèm theo tố lốc, sét. Mùa bão hoạt động muộn hơn TBNN, khoảng tháng 6, 7 số lượng bão, áp thấp nhiệt đới từ 10 - 12 cơn, trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta chủ yếu là khu vực Trung bộ và 1 cơn ảnh hưởng khu vực miền Nam vào những tháng cuối năm.

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập, bảo đảm hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức PCTT của mỗi người dân.

Mặt khác, tổchức kiểm tra và chỉđạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp thực hiện kiểm tra đối với các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là công trình hồ chứa, đê bao, tiêu thoát nước đầy đủ, đúng định kỳ trước, trong và sau mùa mưa lũ, sớm phát hiện hư hỏng, sửa chữa, gia cố kịp thời bảo đảm an toàn công trình và chống ngập úng do mưa, lũ, triều cường hiệu quả. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức thực hiện trực ban, theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai, mưa, bão, lũ, triều cường, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, tham mưu báo cáo lãnh đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra, giảm thiểu thiệt hại.

 Trong những tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 đợt mưa kèm gió lốc làm 3 người bị thương, sập 8 căn nhà, tốc mái tôn 443 nhà ở, 10 nhà xưởng, 3 văn phòng ấp, 24 chuồng trại, 12 nhà tạm; thiệt hại 4254,3 ha cao su, 56,5 ha cây ăn trái tập trung, 1 ha hoa màu, 0,2 ha hoa lan; sạt lở 15m đường nội đồng; 230 hộ thiếu nước sinh hoạt, sập 30 mái hiên có tổng diện tích 1406m2, đổ 40m tường rào, 5 cổng chào, 1 trụ điện chiếu sáng. Lũy kế thiệt hại về tài sản khoảng 53,5 tỷ đồng.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=445
Quay lên trên