Chủ động phòng chống hàng gian, hàng giả cuối năm

Thứ năm, ngày 01/12/2022

(BDO) Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh. Vì vậy việc nhập và trữ hàng hóa phục vụ cho thị trường cũng tăng cao, dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.


Lực lượng chức năng bắt giữ xe ô tô vận chuyển 15.000 gói thuốc lá lậu vào ngày 15-11-2022

Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ Công an tỉnh, cho biết: “Qua thực tế cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi. Nhiều mặt hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ được Công an tỉnh phát hiện, như: Nệm giả; đường, thuốc lá, các mặt hàng tiêu dùng có dấu hiệu giả nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới… được sản xuất, bày bán công khai trên thị trường cùng nhiều hàng hóa khác gây khó khăn cho công tác xử lý vì nhiều thương hiệu không có đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác”.

Theo thượng tá Bùi Phạm Hải, mặc dù tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm nhưng các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm pháp. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ những hoạt động này quá cao. Mặt khác, do tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng hàng mang nhãn hiệu ngoại nhưng giá rẻ, đó chính là yếu tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả lưu hành thuận lợi. Các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân nên mua những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, sau đó đóng gói thành những thương hiệu nổi tiếng rồi mang đi tiêu thụ, bày bán trên thị trường trong khi người tiêu dùng thiếu cảnh giác hoặc ít có thông tin về sản phẩm nên không phân biệt sản phẩm thật - giả... Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Luật sư Lê Trần Vân Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Lê, cho biết: “Theo quy định của pháp luật hình sự, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị xử lý nghiêm khắc được quy định từ Điều 192 đến Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân có thể bị tử hình nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm hoặc đình chỉ vĩnh viễn...

Về xử phạt vi phạm hành chính cho các hành vi trên được áp dụng theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức; ngoài ra còn có thể chịu hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tối đa đến 24 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Trong 11 tháng năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện 455 vụ với 455 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính khoảng 69 tỷ đồng; đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 10 tỷ đồng.

TÂM TRANG