Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
(BDO) Tai nạn thương tích (TNTT) rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên, vì các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Theo thống kê những năm qua, một số nguy cơ TNTT như ngã, bỏng, đuối nước có chiều hướng gia tăng trong những kỳ nghỉ hè. Bảo đảm sức khỏe, phòng chống TNTT cho cộng đồng là một trong những nhiệm vụ mà ngành y tế tỉnh đang nỗ lực thực hiện cùng các sở, ngành và địa phương.
Tổ chức sân chơi ý nghĩa lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại TP.Thuận An
Thiếu sự giám sát của người lớn
Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (TX.Bến Cát) vừa tiếp nhận một bé gái 3 tuổi với ngón 2 bàn tay trái sưng nề, tím tái và rỉ máu. Nguyên nhân là trong khi chơi đùa, bé tự đeo “nhẫn bù lon” vào ngón giữa bàn tay trái. Gia đình tìm mọi cách nhưng không thể tháo ra được nên phải đưa bé đến bệnh viện. Sau khi tiếp nhận, bác sĩ đã thăm khám và đánh giá bé gái có nguy cơ hoại tử ngón tay nếu không được tháo “nhẫn bù lon” ra kịp thời. Các bác sĩ đã sử dụng các thiết bị chuyên dụng để cắt ốc bù lon ra khỏi ngón tay cháu bé.
Gia đình luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có thể xảy ra tai nạn; để thuốc và hóa chất ngoài tầm tay với của trẻ, không cho trẻ tự uống thuốc. Trẻ em cần rèn luyện thể lực và biết bơi theo quy định; khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn; không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình; ở vùng lũ, học sinh đi học qua sông suối phải có người lớn và phải bảo đảm an toàn; khi đi đò, thuyền phải mặc áo phao bảo hộ; giếng, bể nước phải có nắp đậy an toàn. |
Đây là một trong nhiều vụ TNTT ở trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ em, trong đó nguyên nhân phổ biến dẫn tới những trường hợp thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn; sự chủ quan của cha mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm. Với tính hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên chỉ cần một phút lơ là của người lớn trẻ có nguy cơ bị TNTT. Thực tế cho thấy, hiện nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống trong gia đình nghèo, cận nghèo còn hạn chế kỹ năng phòng chống TNTT. Bên cạnh đó là việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, không có rào chắn, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNTT cho trẻ.
Phòng tránh TNTT cho trẻ, trước tiên cần dạy cho trẻ hiểu TNTT là khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày và điều quan trọng là cách xử lý. Trẻ cần phân biệt những nơi có thể gây nguy hiểm, thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm, như: Cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi…; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu; phòng tránh và xử lý khi bị gãy tay, chân, khi bị bỏng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn.
Giám sát trẻ trong thời gian nghỉ hè
Hiện ngành y tế tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể đang tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống TNTT trẻ em. Các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè; tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra TNTT hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Để hạn chế nguy cơ trẻ bị TNTT, thay đổi hành vi của cộng đồng, ngành y tế tỉnh cùng các sở, ngành địa phương đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn. Các đơn vị cũng xác định các loại hình TNTT trẻ em thường gặp tại gia đình để tổ chức các hoạt động can thiệp loại bỏ nguy cơ xảy ra; cụ thể là giáo dục ý thức cho các em không được xô đẩy, đánh nhau.
Gia đình, nhà trường không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm, như: Dao, kiếm, súng cao su và các hung khí; thường xuyên quản lý, giám sát trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, giáo dục trẻ đoàn kết. Sân, nền nhà cần bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; không cho trẻ chơi gần những nơi không an toàn như tường nhà có nguy cơ sập xuống; cây cần có hàng rào để ngăn trẻ không cho leo trèo. Gia đình, nhà trường luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch; hệ thống điện phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao ngoài tầm với của trẻ.
HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN