Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, các ngành chức năng tăng cường, triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa cháy nổ, hạn chế thiệt hại về người, tài sản trong các doanh nghiệp (DN) cũng như cộng đồng dân cư.
Diễn tập phương án PCCC&CNCH phối hợp nhiều lực lượng tại Công ty TNHH Sài Gòn STEC (KCN VSIP 2)
Sẵn sàng phương án
Theo đánh giá của lãnh đạo Công an tỉnh, Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh. Do đó, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển, nhu cầu sử dụng lao động tăng nhanh, dẫn đến dân số cơ học tăng cao. Các loại hình dịch vụ phát triển mạnh, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu nhà ở, chung cư cao tầng hình thành... tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Vì vậy, tỉnh rất chú trọng đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn nói chung và tại các DN nói riêng vì mục tiêu phát triển bền vững.
Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) phối hợp nhiều lực lượng tại Công ty TNHH Sài Gòn STEC (KCN VSIP 2). Tình huống giả định là xảy ra cháy tại xưởng sản xuất công ty. Nguyên nhân cháy là do trong quá trình vận hành xe nâng chuyển hàng lên xe tải, lái xe không chú ý dẫn đến va chạm, làm thủng bình chứa nhiên liệu gây cháy. Đám cháy lan theo lượng nhiên liệu tràn đổ gây cháy các kiện hàng là vật liệu dễ cháy. Lái xe hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài kêu cứu, đám cháy phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều khói, khí độc, nhiệt độ đám cháy tăng cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận chữa cháy.
Sau đó đám cháy tiếp tục lan sang khu vực xưởng số 4, phòng máy phát điện. Đám cháy tỏa ra nhiệt lượng lớn gây sụp đổ cấu kiện xây dựng của xưởng số 4, phá hỏng 2 bể chứa dầu diezel và vỡ đê bao chống tràn dầu, làm 60m3 dầu diezel tràn đổ ra ngoài gây cháy lan với diện tích lớn, đồng thời chảy tràn theo hệ thống thoát nước của công ty ra hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Tổng diện tích đám cháy khoảng 557m2. Tại thời điểm xảy ra cháy có 30 người bị mắc kẹt không thể thoát ra ngoài. Đội PCCC cơ sở triển khai lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy nhưng không hiệu quả nên đã thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Lực lượng PCCC cơ sở đã phối hợp nhuần nhuyễn với lực lượng chức năng để kịp thời dập tắt đám cháy, di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực bị cháy nhanh nhất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Wada Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn STEC, cho biết: “Thông qua phương án diễn tập lần này, đội PCCC cơ sở được tham gia tập luyện thực tế để ứng phó trong các tình huống khẩn cấp. Chúng tôi thấy rằng tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến DN, bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Với trách nhiệm của DN, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức trong việc tiếp tục tuân thủ những quy định về công tác PCCC, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản và tính mạng của công nhân”.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy, nổ và công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện hiệu quả, thiết thực, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ sở phải thường xuyên đề cao vai trò, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức tuyên truyền, đầu tư kinh phí, củng cố lực lượng, phương tiện tại chỗ, có kế hoạch, phương án cụ thể để chủ động phòng ngừa và ứng phó hiệu quả đối với các tình huống xảy ra. Các ngành, các cấp cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật, các chủ trương, chỉ đạo về công tác PCCC&CNCH. Đối với DN, cần tuân thủ đúng theo quy định về an toàn cháy nổ, trước hết để bảo đảm tài sản của chính DN, sau đó là giữ vững an toàn cho môi trường sản xuất kinh doanh của khu vực và địa phương.
Chủ động kiểm tra, bảo đảm an toàn
Theo thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, một trong nhiều nguyên nhân gây cháy chính là ý thức chủ quan của người dân cũng như chủ các DN đối với công tác PCCC. Hiện nay đã bước vào đầu mùa khô, thời tiết nắng nóng, hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao nên cần sự cảnh giác trong phòng ngừa sự cố. Thiệt hại về cháy rất khó lường, không chỉ là tính mạng con người, tài sản của cơ quan, DN, hộ dân, quá trình khắc phục bao hàm cả những vấn đề an sinh xã hội.
Với điều kiện thời tiết khô nóng kéo dài, mùa khô là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ. Để ngăn ngừa các vụ cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với các cơ quan chức năng “khoanh vùng” các khu vực, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao để tập trung kiểm tra, giám sát. Trong đó, tập trung vào các khu công nghiệp, khu dân cư, các tòa nhà cao tầng, nơi thường xuyên tập trung đông người… Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, chế biến trong khu dân cư cũng được lực lượng chức năng chú ý kiểm tra an toàn PCCC.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng tập trung chỉ rõ các nguy cơ mất an toàn PCCC đến từ hệ thống điện, từ quá trình sản xuất, lưu trữ hàng hóa, bố trí các lối thoát hiểm…, nhất là với các cơ sở có thay đổi công năng các nhà xưởng cho phù hợp với quy mô sản xuất sau thời gian dịch bệnh hoành hành. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn chú trọng kiểm tra việc duy trì hoạt động của lực lượng chữa cháy cơ sở và phương tiện chữa cháy. Thực tế, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, nếu lực lượng và phương tiện tại chỗ phát huy hiệu quả kịp thời, đúng lúc, sự cố sẽ được xử lý nhanh chóng.
Bên cạnh vai trò quản lýnhànước đối với công tác PCCC của lực lượng chuyên nghiệp, việc xây dựng, củng cố và phát huy vai trò trách nhiệm của lực lượng PCCC cơ sở có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ xảy ra cũng như ứng phó kịp thời với sự cố.
TIỂU MY - CẨM TÚ