Chủ động, sáng tạo trong dạy và học

Thứ tư, ngày 09/09/2020

(BDO)  Năm học 2019-2020, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TP.Dĩ An đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, các trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động, sáng tạo thực hiện hoạt động dạy và học bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thành phố.

 Cô trò trường Tiểu học Đông Hòa B cùng đọc sách

 Trường THCS Dĩ An: Đi đầu trong các phong trào thi đua

Năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do ngành phát động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Ở TP.Dĩ An, trường THCS Dĩ An là một trong những đơn vị điển hình thi đua phát triển GD-ĐT. Trước tiên, nhà trường phân công, bố trí giáo viên đúng chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo, giúp thầy cô phát huy năng lực, đem lại hiệu quả thiết thực. Còn với các thầy cô nhà trường, xác định tầm quan trọng của sứ mệnh “trồng người”, luôn thể hiện sự nhiệt tình, bám trường, bám lớp và quan tâm đến học sinh (HS).

Thầy cô còn tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giáo dục ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, số cán bộ quản lý, giáo viên của trường có trình độ trên chuẩn chiếm 96,4%. Cô Nguyễn Ngọc Mai, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm, nhà trường cũng thực hiện chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chính trị thường xuyên và định kỳ theo quy định cho thầy cô.

Tâm huyết với nghề, các thầy cô tích cực đổi mới dạy học, tích cực sử dụng trang thiết bị dạy học, thường xuyên sử dụng máy chiếu, bảng tương tác, đồ dùng dạy học, như: Tranh ảnh, dụng cụ thực hành, giúp cho các tiết dạy đạt hiệu quả cao, HS nắm chắc được kiến thức... Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, đội ngũ nhà giáo ở trường còn tích cực tham gia viết giải pháp, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Chỉ tính trong năm học 2019-2020, trường có 25 sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp thành phố và được triển khai, áp dụng trong nhà trường. Yêu nghề đã chọn, các thầy cô còn thực hiện nghiêm nề nếp, kỷ cương trong nhà trường. Các chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học chính khóa được thầy cô thực hiện nghiêm túc. Giáo viên còn tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoại khóa, quan tâm bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém. Ngoài ra, giáo viên còn tích cực tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Kết quả, trong năm học 2019-2020, trường có 8 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Từ sự nhiệt tình, tích cực, sáng tạo của người thầy, chất lượng dạy học ở ngôi trường này đã được nâng lên rõ rệt. Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021, cả 3 môn thi của HS nhà trường có tỷ lệ điểm trung bình môn đạt trên tỷ lệ chung của tỉnh. Với kết quả trên, trường được xếp hạng nhất khối THPT ở địa bàn TP.Dĩ An.

Trường tiểu học Đông Hòa B: Phát triển văn hóa đọc trong HS

Đọc sách giúp làm giàu kiến thức, tăng khả năng tư duy, sáng tạo, giúp HS học tập đạt hiệu quả hơn. Với ý nghĩa này, trường Tiểu học Đông Hòa B đã triển khai thực hiện tốt phong trào đọc sách trong HS. Đến trường Tiểu học Đông Hòa B, chúng tôi khá bất ngờ khi HS có thể đọc sách ở mọi nơi. Ngoài thư viện của trường, mỗi lớp học đều có tủ sách. Ngoài hành lang còn có tủ sách mini. Cô Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng nhà trường, đã giải đáp thắc mắc của chúng tôi, đó là nhà trường muốn khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em HS.

Phát triển phong trào văn hóa đọc cho HS, nhà trường đã vận động nguồn tài trợ sách từ chương trình “Tủ sách nhân ái” ở TP.Hồ Chí Minh. Chương trình đã tặng cho nhà trường trên 200 quyển sách. Sau đó, phụ huynh cũng góp sức với nhà trường nhằm xây dựng ý thức văn hóa đọc cho HS. Với 350 quyển sách thiếu nhi quyên góp được, nhà trường tổ chức cho HS đọc trong giờ ra chơi, giúp các em rèn luyện thói quen đọc sách. Nhận thấy chương trình phát huy được tác dụng khi ngày càng nhiều HS đam mê đọc sách, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho 100% HS. Theo đó, ban giám hiệu kêu gọi các nhà hảo tâm, phụ huynh HS hỗ trợ thêm các đầu sách cho nhà trường. Với nguồn sách ngày càng phong phú đã thu hút HS thường xuyên tìm đến với sách. Duy trì thói quen này của các em, trong năm học, thay vì thực hiện truy bài đầu giờ, nhà trường dành ra 30 phút cho HS đọc sách. Với tủ sách mini được trang bị ở mỗi lớp học, mỗi ngày, các em đều tham gia đọc sách. Với HS lớp một, do các em chưa đọc thông viết thạo, giáo viên đọc cho các em nghe, dần dần đã hình thành cho các em niềm đam mê đọc sách.

Điều khiến chúng tôi cảm thấy thú vị là HS của trường còn có nhật ký đọc sách. Các em ghi chép lại những lời hay ý đẹp hoặc ghi cảm nhận sau khi đọc quyển sách. Ngoài đọc sách trong lớp, nhà trường còn tổ chức cho tất cả HS đọc sách trong giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa. Đáp ứng nhu cầu đam mê đọc sách của học trò, giáo viên đã tự làm phòng đọc sách ở hành lang nhằm đưa sách đến gần với các em hơn. Chia sẻ với chúng tôi, cô Phạm Thị Chinh cho biết mô hình này được nhà trường học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành trong nước. Triển khai hiệu quả chương trình này, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên các phương pháp, kỹ năng, hướng dẫn HS đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Sau một thời gian phát triển văn hóa đọc, hiệu quả mang lại thật rõ rệt. Thông qua các câu chuyện, HS có ứng xử văn minh, có thái độ sống tích cực, cư xử hòa nhã với bạn bè. Chỉ trong thời gian ngắn, cách làm này của nhà trường đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cán bộ thư viện của trường tham gia thi cán bộ thư viện giỏi cấp tỉnh đạt giải nhất; trong cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” nhà trường cũng đạt các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cấp thành phố; HS cũng đạt giải cao trong các cuộc thi về đọc sách trong các năm học gần đây.

 HỒNG THÁI