Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm

Cập nhật: 07-03-2023 | 08:31:38

 Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên dịch vẫn được ghi nhận rải rác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi và người dân cần tích cực chủ động phòng, chống nhằm hạn chế vi rút cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

 Các hộ chăn nuôi và người dân cần chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm để bảo vệ sức khỏe. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng trên địa bàn huyện Bàu Bàng

 Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Nghệ An, Quảng Ninh và Ninh Bình, trong đó 2 ổ dịch tại Nghệ An và Ninh Bình chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 50%, số gia cầm phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 73,23%. Tuy nhiên, tổng đàn gia cầm cả nước lớn, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cúm gia cầm vẫn còn rất cao.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, hiện đàn gia cầm cả nước khoảng 523,6 triệu con; trong đó, đàn gà có trên 420 triệu con (chiếm 80%), đàn thủy cầm có trên 103 triệu con (chiếm 20%). Trong khi đó, diễn biến của dịch cúm gia cầm rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao do chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).

Việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước cũng tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Hiện nay, cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, Bình Dương hiện có tổng đàn gia cầm trên 14,7 triệu con, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh cúm gia cầm chưa xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra do vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cùng với đó, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương khác về Bình Dương tiêu thụ rất lớn. Một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng vắc xin và phòng, chống dịch bệnh...

Tăng cường phòng, chống

Anh Võ Hữu Thành, đại diện trang trại chăn nuôi gà lông trắng (ở ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), cho biết để hạn chế dịch bệnh gia cầm phát sinh, trang trại chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng, chống; tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi; từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Cùng với đó, trang trại thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại. Hàng tuần, trại cho phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại 1 lần, đồng thời định kỳ hàng tháng phun thuốc khử mùi 2 lần, bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh.

Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện, hạn chế vi rút cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ông Trần Phú Cường cho biết sẽ phối hợp các đơn vị, ban, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, trạm kiểm dịch đúng theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng vắc xin.

Mặt khác, chi cục tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên các phương tiện truyền thông để người chăn nuôi biết và có biện pháp phòng, chống theo quy định. Đối với người dân, không nên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm để bảo vệ đàn vật nuôi; đồng thời, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm bệnh chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi.

 Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT: Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các phòng chức năng và các địa phương hướng dẫn chủ chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia cầm có biểu hiện bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo ngay cho nhân viên thú y xã hoặc UBND cấp xã để báo cáo cơ quan chuyên môn cấp trên kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh theo quy định.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1047
Quay lên trên