Chủ động triển khai giải pháp phòng chống thiên tai

Cập nhật: 15-06-2020 | 07:49:24

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đạt được một số kết quả khá tốt, nhờ sự chỉ đạo ứng phó kịp thời nên đã bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

 Ngành chức năng kiểm tra công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh

Chung tay phòng, chống

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, nhằm tăng cường năng lực phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, năm 2019, tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện sửa chữa 48 công trình PCTT và tạm ứng cho mỗi huyện, thị, thành phố 300 triệu đồng từ Quỹ PCTT để chủ động hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí hỗ trợ gần 18 tỷ đồng. Do đó đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng lực PCTT, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và đời sống sản xuất của nhân dân. Năm 2019, thiệt hại về con người không có, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng trên 19 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường và mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường xảy ra, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân phải chủ động, nỗ lực hơn nữa trong công tác PCTT. Toàn tỉnh xảy ra 10 đợt thiên tai gây thiệt hại. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường, kỳ chuyển mùa lượng mưa lớn nhiều hơn so với năm 2019. Tính đến ngày 4-6-2020, thiên tai đã làm 1 người mất tích và 2 người bị thương nhẹ, tốc mái 55 căn nhà, thiệt hại 18 ha lúa, 6 ha hoa màu, gãy đổ 28,6 ha cao su đang khai thác, 10 ha cây ăn trái, sạt lở, bể 59m bờ suối, bờ bao, tràn 530m đê bao An Tây, 200 hộ thiếu nước sinh hoạt, hư hỏng 6 trạm biến thế, gãy 4 trụ điện, sập 3 cổng chào, 200m tường rào, ngập 380m đường giao thông và một số công trình khác. Tổng thiệt hại về tài sản hơn 3,5 tỷ đồng.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh nhận định, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020, trong đó khả năng sẽ có 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Nam bộ.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó

Trong quá trình triển khai các giải pháp PCTT và khắc phục hậu quả, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm dòng chảy tự nhiên, hành lang sông, suối, kênh rạch, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi còn diễn ra ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến an toàn công trình. Một số hạng mục công trình bị hư hỏng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời gây mất an toàn công trình, không phát huy hết hiệu quả thiết kế. Đơn cử như công trình suối Chợ - hồ Tân Vĩnh Hiệp có các đoạn kênh bị sạt lở, hư hỏng không bảo đảm an toàn cho công trình và tiêu thoát nước; mặt đê bao An Sơn - Lái Thiêu bị xuống cấp, lồi lõm, ổ gà, có những đoạn bị lún thấp không bảo đảm ngăn triều cường, chống ngập úng… Cùng với đó, tiến độ xây dựng phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông trên địa bàn TX.Tân Uyên còn chậm. Ngoài ra, khu vực suối Giữa đoạn từ quốc lộ 13 ra sông Sài Gòn thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn.

Năm 2020, để chủ động trong công tác PCTT-TKCN, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, công tác tham mưu, điều hành PCTT. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT theo quy định, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để nắm tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai bão, lũ kịp thời thông báo đến các địa phương và nhân dân biết để tổ chức phòng, chống có hiệu quả. Tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp thực hiện kiểm tra đối với các công trình thủy lợi, PCTT. Chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dông, lốc xoáy, mưa đá trong thời kỳ chuyển mùa; tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến trên địa bàn tỉnh; phối hợp ban, ngành đoàn thể khảo sát các hồ, đập, sẵn sàng ứng phó sự cố vỡ hồ, đập…

 Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng thực tiễn những năm qua cho thấy trong việc ứng phó với thiên tai, phòng vẫn là chính. Sự chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ giúp hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo đó, ông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên