Chủ động ứng phó bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 15-05-2024 | 08:33:46

Hiện nay, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang gia tăng ca mắc. Để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh, giảm thiểu ca nặng, tử vong, ngành y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch kịp thời.

 Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Ca mắc tay chân miệng đang tăng cao

Những ngày qua, khoa nhi Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên tiếp nhận bệnh nhi điều trị nội trú chủ yếu là bệnh tay chân miệng (TCM) và các dịch bệnh theo mùa. Chị Ngô Thị Nương ở phường Khánh Bình cho biết: “Hai ngày nay con tôi bị sốt, không chịu ăn uống, xuất hiện mụn nước trong miệng, ngủ giật mình nên tôi đưa con tới đây khám. Bác sĩ cho biết bé bị bệnh TCM độ nặng nên phải nhập viện điều trị nội trú”.

Không chỉ Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên có số ca bệnh TCM tăng mà tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhi nhập viện vì bệnh này cũng tăng cao. Đặc biệt mới đây, các bác sĩ đã điều trị thành công cho bệnh nhân nhi ở TP.Thủ Dầu Một với biểu hiện bệnh TCM không điển hình, viêm phổi suy hô hấp. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh TCM cấp độ nặng, được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau gần 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản và phục hồi sức khỏe.

Thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 548 ca mắc bệnh TCM, tăng rất cao và tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, ca nặng độ 25 trở lên tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Riêng trong hai tuần 16 và 17, toàn tỉnh ghi nhận 230 ca mắc, tăng hơn gấp 2 lần so với 4 tuần trước đó. Các địa phương có ca mắc cao như: TP.Tân Uyên: 124 ca, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023; TP.Thuận An: 104 ca, tăng 49%; TP.Dĩ An: 99 ca, tăng 90%; TP.Thủ Dầu Một: 74 ca, tăng 68%; TP.Bến Cát: 70 ca, tăng gấp 2 lần; huyện Bàu Bàng: 23 ca, tăng 8 lần; huyện Phú Giáo: 16 ca, tăng 5 lần và huyện Dầu Tiếng: 10 ca, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ động ứng phó

Nhận định về tình hình bệnh TCM, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời triển khai các biện phòng, chống. Qua đợt giám sát dịch bệnh, ngành y tế tỉnh ghi nhận một số địa phương chưa chủ động phân bổ, cấp phát hóa chất, sẵn sàng phòng, chống bệnh kịp thời.

“Để chủ động kiểm soát, hạn chế bệnh TCM lan rộng, giảm thiểu số ca nặng, tử vong tại địa phương, ngành y tế tỉnh đề nghị các bệnh viện công lập và ngoài công lập chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động điều trị và tổ chức tốt việc cấp cứu, chăm sóc, theo dõi sát chuyển độ, điều trị kịp thời, hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, hạn chế không để xảy ra trường hợp tử vong. Trung tâm y tế các huyện, thành phố bám sát Quyết định số 581/QĐ- BYT ngày 24-2-2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh TCM”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.

Ghi nhận của P.V tại các địa phương, cán bộ nhân viên y tế dự phòng đang đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch từ nhiều nguồn khác nhau. Điển hình như giám sát dựa vào hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm (theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28-12-2015) của Bộ Y tế, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát tại trường học và cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức điều tra mở rộng ở khu vực phát hiện ca bệnh, ổ dịch và xử lý triệt để.

Bác sĩ Trần Thị Mai Trinh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên cho biết: “Để chủ động phòng, chống dịch TCM, trung tâm chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất như Cloramin B, chủ động phân bổ cho tất cả các trạm y tế và các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn để kịp thời xử lý ca bệnh, ổ dịch nhanh và hiệu quả”.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Bạch Thủy Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên cho biết: “Thống kê trên địa bàn, số ca mắc bệnh TCM không cao, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng ngành y tế huyện không chủ quan với dịch bệnh mà phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kiểm tra liên ngành công tác phòng, chống bệnh TCM tại các trường học; giám sát, phát hiện, cách ly sớm ca bệnh; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường”.

Xác định công tác truyền thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trong, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe bệnh TCM trong cộng đồng, tại các cơ sở điều trị. Đặc biệt, ngành triển khai chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn; thực hiện 4 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1057
Quay lên trên