Chủ động ứng phó với dịch bệnh bạch hầu

Cập nhật: 28-10-2023 | 10:03:39

(BDO) Gần đây, trên địa bàn tỉnh phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu, trong bối cảnh một số tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Điện Biên) đã ghi nhận các ca mắc, tử vong. Với tinh thần phát hiện sớm ca bệnh, ngành y tế tỉnh đã chủ động điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe ca bệnh nghi ngờ và sẵn sàng các phương án ứng phó.   


Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ tại TP.Dĩ An

 Ca bệnh nghi ngờ có kết quả xét nghiệm âm tính 

 Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ thường trú tại ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng có triệu chứng ho, sốt nhẹ, đau đầu, đau họng, khản tiếng, khó nuốt, ăn uống kém. Tiền sử người bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cục bộ, dị ứng thuốc Ampicilin. 

Bệnh nhân nhập viện điều trị, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, đau đầu, căng cơ, được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng các triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau họng, khàn tiếng không giảm. Bệnh nhân được hỗ trợ chỉ định làm các cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán, kết quả xét nghiệm nấm âm tính nhưng hình ảnh giả mạc 2 bên amidan qua nội soi nghi ngờ bệnh bạch hầu. Bệnh viện thông báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp tiến hành điều tra và lấy mẫu dịch hầu họng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chuyển Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xét nghiệm.

Bác sĩ chuyên khoa I Mai Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng cho biết: Nhận được thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế tiến hành điều tra cộng đồng, theo dõi tình hình sức khỏe những người tiếp xúc gần người bệnh nghi ngờ. Do chưa có kết quả khẳng định nên trung tâm thống nhất dự trù các giải pháp, bảo đảm phòng, chống lây nhiễm cộng đồng. Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu, trung tâm tiếp tục theo dõi giám sát, điều tra dịch tễ ca bệnh nghi ngờ, xử lý ổ dịch và tiếp tục điều tra cộng đồng các trường hợp tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày. 

Tuy nhiên, qua xét nghiệm khẳng định, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh thông báo ca nghi ngờ có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh bạch hầu, kết thúc quá trình điều tra, giám sát.    

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết: Bệnh bạch hầu thường bắt đầu với những triệu chứng  cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và có thể có biểu hiện như bệnh nhiễm trùng da. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Tỉ lệ tử vong bệnh bạch hầu ở trẻ em dưới 15 tuổi rất cao. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỉ lệ 3%. Vắc xin ngừa bệnh là phương pháp điều trị dự phòng được khuyến cáo vì làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu. 

Trong bối cảnh một số địa phương trong cả nước ghi nhận ca mắc bệnh, tử vong do bệnh bạch hầu, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và ngành y tế tỉnh đã yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời ca bệnh và giảm tối đa số ca bệnh tử vong. Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bị bạch hầu, cần ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. 

Ngành y tế tỉnh yêu cầu các cơ sở y tế rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư để khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh. Trong quá trình điều trị, các đơn vị tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng, chuyển tuyến khi cần thiết hoặc hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng. Bên cạnh đó, triển khai hướng dẫn người tiếp xúc với người bệnh uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

“Bệnh bạch hầu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác.

Cách phòng bệnh hiệu quả là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Bệnh không có tính miễn dịch trọn đời, nếu mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao”, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.

Hoàng Linh


 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên