Chu-hi-cha, loại trà đặc biệt làm từ chất thải của sâu bướm

Cập nhật: 01-02-2023 | 16:36:54

Phân sâu bướm được thu thập trước khi chế biến thành trà.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản có tên Tsuyoshi Maruoka đã nảy ra ý tưởng về việc làm ra một loại trà kén sâu trong quá trình học cao học tại Khoa Nông nghiệp của Đại Học Kyoto. Ông nghĩ về ý tưởng này khi nghiên cứu về mối quan hệ bí ẩn giữa côn trùng và thực vật.

Vào một ngày nọ, một nghiên cứu sinh khác đã mang 50 ấu trùng bướm đêm gypsy vào phòng thí nghiệm và nói với Maruoka rằng chúng là một món quà lưu niệm dành tặng cho ông.

Ban đầu ông thực sự không biết phải làm gì với những ấu trùng này. Cuối cùng ông lựa chọn việc tiếp tục nuôi sống các ấu trùng, cho đến khi có thể quyết định tương lai của chúng.

Vì vậy, ông hái một số chiếc lá từ cây anh đào gần nơi làm việc và cho những con sâu bướm ăn. Khi dọn phân của những sinh vật này để lại, ông nhận thấy chúng có mùi thơm dễ chịu và gần như ngay lập tức hình thành cảm hứng về việc pha chúng thành trà.

“Ý tưởng này sẽ thành công!” Maruoka tự nhủ và ông đã đúng. Màu đen của phân ấu trùng đã tạo ra một màu nước trà rất đẹp. Ngoài ra, nước trà có mùi như những bông hoa anh đào và vị trà cũng rất tinh tế.

Thử nghiệm thành công đã truyền cảm hứng để Maruoka có những nghiên cứu sâu hơn về loại trà độc đáo này.

Dự án trà Chu-hi-cha hiện không chỉ dừng lại ở phân của những con sâu bướm gypsy ăn lá cây anh đào. Tsuyoshi Maruoka đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm với khoảng 40 loại thực vật và 20 loại côn trùng, ấu trùng khác nhau, với kết quả thực sự rất đáng khích lệ. Với việc thế giới có hàng trăm ngàn loài thực vật và côn trùng, có thể hình dung ra rằng sự kết hợp giữa chúng gần như là không có giới hạn.

Maruoka cho rằng hương thơm và mùi vị của Chu-hi-cha thay đổi đáng kể tùy thuộc vào loại cây và côn trùng được thử nghiệm.

Thực vật thô có vị chát và đắng nhằm ngăn cản động vật ăn chúng. Nhưng một số loài côn trùng đã tiến hóa tới chỗ có khả năng xử lý những rào cản này nhờ sự trợ giúp của các enzyme trong hệ tiêu hóa của chúng.

Và khi được "xuất" ra ngoài cơ thể côn trùng dưới dạng chất thải, thực vật đã được enzyme xử lý sẽ không còn chát hay đắng. Thay vì thế chúng trở nên thơm một cách đáng ngạc nhiên.

Được truyền cảm hứng từ chính phát hiện của mình, Maruoka đã quyết định sẽ tạo một phiên bản trà đặc biệt mà người tiêu dùng bình thường có thể tiếp cận. Gần đây ông đã mở một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng trên một nền tảng gọi là Camp-Fire ở Nhật Bản.

Ông đã vượt qua mục tiêu ban đầu tự đặt ra là 1 triệu yên (7.800 USD) và đang trên đà vượt qua mốc 2 triệu yên (15.600 USD) gọi vốn. Những người quyên góp cho Camp-Fire sẽ nhận được các mẫu trà từ hai loại Chu-hi-cha hiện có là “Sakura x Iraga” (dựa trên lá cây anh đào) và “Kuri x Omizuao” (dựa trên lá hạt dẻ).

Điều thú vị là từ hàng trăm năm nay, người ta đã và vẫn đang uống một loại trà được làm từ phân của những con tằm ăn lá trà, như một loại thuốc trị bệnh. Các nghiên cứu hiện đại cũng đã chỉ ra rằng thức uống này là một nguồn chất chuyển hoá flavonoid dồi dào. Tuy nhiên, Chu-hi-cha là loại trà thương mại đầu tiên được làm từ chất thải của sâu bướm.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1037
Quay lên trên