Chữ ký số: Mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Thứ hai, ngày 12/08/2024

(BDO)  Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về việc nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký số công cộng nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện.

 Tổ công nghệ số cộng đồng phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một) tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký số công cộng

 Thuận tiện

Trước đây khi người dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính phải trực tiếp tại trụ sở cơ quan Nhà nước để nộp hồ sơ, mất thời gian đi lại và xếp hàng chờ đợi. Hiện nay với dịch vụ công trực tuyến và chữ ký số cá nhân đã giúp người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi và có thể theo dõi, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ của các cơ quan.

Chị Bùi Phương Dung và anh Nguyễn Thiện Cơ ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một vừa tổ chức đám cưới và muốn đăng ký kết hôn. Chị Dung đã sử dụng điện thoại vào Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Dương nộp hồ sơ trực tuyến đăng ký kết hôn và áp dụng ký chữ ký số. Thông tin, giấy tờ chị Dung, anh Thiện cung cấp đầy đủ trên môi trường số nên chỉ trong 1 ngày họ đã nhận được giấy chứng nhận kết hôn điện tử có mã QR mà không cần đến trụ sở UBND phường.

Hay như trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Long (TP.Thuận An) thường xuyên phải ký các hợp đồng liên quan đến thủ tục hành chính cho đối tác, anh Long đã đăng ký chữ ký số và thực hiện các quy trình thủ tục qua mạng. Quá trình sử dụng chữ ký số, anh Long cho biết “rất tiện lợi”. “Chữ ký số là cơ sở pháp lý của tôi trên môi trường mạng, giúp tôi ký, nộp hồ sơ trực tuyến ở mọi lúc mọi nơi mà không cần mất thời gian đến giao dịch trực tiếp”, anh Nguyễn Mạnh Long cho biết.

Không chỉ mang lại tiện ích cho người dân, chữ ký số đã mang lại tiện ích, hiệu quả trong các hoạt động cho doanh nghiệp, như: Kê khai, nộp thuế trực tuyến, bảo hiểm xã hội điện tử, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng điện tử, ký hóa đơn điện tử...

Anh Đỗ Quang Tùng, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Sài Gòn Stec, Khu công nghiệp VSIP II (TP.Thủ Dầu Một), cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử camera module ứng dụng công nghệ cao nên mọi thủ tục hành chính đều được công ty xử lý trên môi trường mạng. Do đó công ty buộc phải sử dụng chữ ký số của nhân viên quản lý. “Việc sử dụng chữ ký số đã tối ưu hiệu quả chi phí cũng như nhân lực cho doanh nghiệp trong các thủ tục liên quan tới cơ quan Nhà nước như nộp thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khai báo hải quan”, anh Tùng cho biết.

Phổ cập chữ ký số

Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân phải đạt trên 50%; đến năm 2030 là 70%. Trước đây chữ ký số được triển khai rộng rãi trong cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn. Vì vậy vấn đề phổ cập chữ ký số cho người dân giúp họ tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh, thuận tiện, góp phần thúc đẩy công dân số phát triển.

 Cán bộ xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số miễn phí trên điện thoại thông minh

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương xác định sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử là một giải pháp quan trọng trong các nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện tỉnh đã và đang triển khai cung cấp chữ ký số công cộng gắn với thúc đẩy sử dụng chữ ký số nhằm tạo động lực mạnh mẽ về chuyển đổi số.

Để thực hiện đúng tinh thần nghị quyết, kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, trách nhiệm đi đầu trong việc biết và sử dụng chữ ký số công cộng; hướng dẫn cho mọi người xung quanh thiết lập, sử dụng dịch vụ chuyển đổi số trong đời sống.

Đặc biệt UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị, tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi đến người dân về việc nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký số công cộng nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

 Hiện có rất nhiều đơn vị đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực số công cộng, trong đó có nhiều đơn vị đang cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Dương đã tích hợp ký số eSign của Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC). Các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ký số của các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số như VNPT Bình Dương, Viettel Bình Dương, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Cổ phần BKAV, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS)...

 KIM HÀ