Hiện nay, nhiều chủ nhà trọ vẫn tự định mức giá bán điện cao hơn mức giá quy định cho người thuê phòng trọ, làm cho đời sống của người lao động đang gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn vì gánh nặng chi phí tiền điện.
Người lao động mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp quản lý chặt chẽ về việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là việc tăng giá nhà trọ, điện, nước
3.000 - 4.000 đồng/kWh
Cả xóm trọ tại khu phố 8, phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) ai cũng sửng sốt vì nhận thông báo tiền điện tháng tới từ chủ trọ sẽ tăng từ 3.000 đồng/ kWh lên 4.000 đồng/kWh. Anh Nguyễn Văn Hồng, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Nội thất The One (Khu công nghiệp Đại Đăng), cho biết: “Mới đây, khi thu tiền thuê phòng trọ, chủ nhà trọ thông báo từ tháng tới sẽ tăng giá điện lên 4.000 đồng/kWh với lý do điện tăng giá khiến người ở trọ chúng tôi giật mình. Chúng tôi mong muốn chủ nhà trọ cân nhắc tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay khi việc làm ít, thu nhập của công nhân bị giảm. Việc tăng giá điện sẽ thêm gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người lao động. Nhiều lần chúng tôi phản ánh, có quy định của Nhà nước về mức giá bán điện cho người thuê trọ nhưng chủ trọ phớt lờ…”.
Tương tự, chị Thùy, công nhân Công ty TNHH KaiRui International (TP.Thủ Dầu Một), cũng bày tỏ bức xúc với mức tính giá điện đối với người thuê phòng trọ của chủ nhà trọ. Chị Thùy cho biết công ty nơi chị làm việc nhiều tháng qua do khó khăn, thiếu đơn hàng sản xuất nên phải giảm giờ làm, thu nhập của công nhân cũng giảm theo. “Hiện nay, thu nhập của chị chỉ gần 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày trông cả vào đây, bao gồm cả tiền thuê phòng trọ, tiền điện, nước, học hành cho con... Nếu giờ, chủ trọ tăng giá điện nữa, chúng tôi thêm gánh nặng về chi phí. Mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp quản lý chặt chẽ về việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là việc tăng giá nhà trọ, điện nước, giúp công nhân lao động ở trọ bớt gánh nặng về chi phí, ổn định đời sống và yên tâm làm việc”, chị Thùy nói.
Cũng bức xúc về mức tính giá điện của chủ nhà trọ cao như hiện nay từ 3.500 - 4.000 đồng/ kWh, nhiều công nhân Công ty TNHH Chutex International (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TP.Dĩ An) đã phản ánh tới công đoàn cơ sở công ty nhờ kiến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp quản lý giá bán điện tại các khu nhà trọ, giúp công nhân bớt khổ vì tăng giá. Ông Trần Quốc Chính, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Chutex International, cho biết: “Công đoàn đã phản ánh kiến nghị này của công nhân lao động tới các ngành chức năng. Do vậy, công đoàn rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý những trường hợp chủ nhà trọ thu giá điện sai quy định, giúp người lao động ở trọ ổn định cuộc sống, an tâm làm việc gắn bó với doanh nghiệp và địa phương...”.
Cần chế tài, chấn chỉnh
Tại Điều 10 Thông tư 16/2014/ TT-BCT, sửa đổi bởi Thông tư 09/2023/TT-BCT của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên và người lao động thuê nhà được tính như sau: (1) Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện, hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). (2) Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. (3) Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện; cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Ví dụ, về cách tính tiền điện, một phòng trọ có 4 người, tiêu thụ khoảng 200kWh/ tháng, tiền điện được tính như sau: Từ 0 - 50kWh đầu ở bậc 1 có giá là 1.728 đồng/kWh; từ 51 - 100kWh ở bậc 2 có giá là 1.786 đồng/kWh; từ 101 - 200kWh ở bậc 3 có giá là 2.074 đồng/kWh…
Theo Công ty Điện lực Bình Dương, do cách tính 4 người thuê ở 1 phòng trọ hưởng 1 định mức, chủ nhà trọ phải làm thủ tục thống kê, kê khai biến động số lượng người ở phức tạp... Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trọ, người thuê trọ, Công ty Điện lực Bình Dương hiện áp dụng mức tính giá điện ở bậc 3 đối với người lao động, sinh viên thuê nhà trọ, đã bao gồm cả thuế VAT là 2.281 đồng/kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, bên cạnh công tác tuyên truyền, cần có chế tài để xử lý các vi phạm. Pháp luật hiện cũng đã có quy định khá cụ thể về việc xử lý vi phạm các quy định về sử dụng điện. Nếu người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định, có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng và kèm theo xử phạt bổ sung, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp đã chiếm đoạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
ĐỖ TRỌNG