Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi - Bài 1

Cập nhật: 16-05-2016 | 08:07:46

 

 LTS: Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2016), lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Từ nhiều thập niên nay, đối với người Việt Nam ta và bè bạn thân thiết trên thế giới, ngày 19-5 hàng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng, một ngày trọng đại, có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nhân kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài viết tư liệu về quá trình hoạt động và cống hiến cho cách mạng cực kỳ vĩ đại của Người.


 Bài 1: Bối cảnh lịch sử

 Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ trong cả nước từ Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên, các phong trào này đã bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới thất bại của các phong trào đấu tranh là do những người đứng đầu các cuộc khởi nghĩa, các phong trào chưa tìm được con đường cứu nước phản ánh đúng nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. Cách mạng nước ta đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước…

 Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

 Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước tư bản đế quốc vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc làm cho đời sống nhân dân lao động các nước trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Mười Nga đã nêu tấm gương sáng trong việc giải phóng các dân tộc bị áp bức. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3- 1919 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở trong nước, từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, chia Việt Nam thành 3 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng. Về chính trị, chúng trực tiếp nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thi hành chính sách cai trị chuyên chế, biến một bộ phận của giai cấp tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thành tay sai đắc lực, tạo nên sự cấu kết giữa chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, đặc trưng của chế độ thuộc địa. Sự cai trị của chính quyền thuộc địa đã làm cho nhân dân ta mất hết quyền độc lập, quyền tự do dân chủ; mọi phong trào yêu nước bị đàn áp dã man; mọi ảnh hưởng của các trào lưu tiến bộ từ bên ngoài vào đều bị ngăn cấm.

Về kinh tế, chúng triệt để khai thác Đông Dương vì lợi ích của giai cấp tư sản Pháp, bóc lột tàn bạo nhân dân ta, thực hiện chính sách độc quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế độc lập của nước ta. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, vô nhân đạo, kể cả duy trì bóc lột kiểu phong kiến... đẩy nhân dân ta vào cảnh bần cùng, làm cho nền kinh tế bị què quặt, lệ thuộc vào kinh tế Pháp, để lại hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.

Thực dân Pháp câu kết với giai cấp địa chủ để bóc lột kinh tế và áp bức chính trị đối với nhân dân Việt Nam. Thực hiện chính sách bóc lột, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; đầu tư khai thác tài nguyên; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa. Về văn hóa, chúng thi hành triệt để chính sách văn hóa nô dịch, gây tâm lý tự ti, khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan. Mọi hoạt động yêu nước của nhân dân ta đều bị cấm đoán. Chúng tìm mọi cách bưng bít và ngăn chặn ảnh hưởng của nền văn hóa tiến bộ trên thế giới vào Việt Nam và thi hành chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.

Dưới tác động của chính sách cai trị và chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục thực dân, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá trình phân hóa sâu sắc. Giai cấp địa chủ câu kết với thực dân Pháp tăng cường bóc lột, áp bức nông dân. Tuy nhiên, trong nội bộ địa chủ Việt Nam lúc này có sự phân hóa. Một bộ phận địa chủ có lòng yêu nước, căm ghét chế độ thực dân đã tham gia đấu tranh chống Pháp dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, bị thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Tình cảnh bần cùng khốn khổ của giai cấp nông dân Việt Nam đã làm tăng thêm lòng căm thù đế quốc và phong kiến tay sai, tăng thêm ý chí cách mạng của họ trong cuộc đấu tranh giành lại ruộng đất và quyền sống tự do. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, đa số xuất thân từ giai cấp nông dân, có quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với giai cấp nông dân, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột. Giai cấp tư sản Việt Nam bị tư sản Pháp và tư sản người Hoa cạnh tranh chèn ép, do đó thế lực kinh tế và địa vị chính trị nhỏ bé và yếu ớt, có tinh thần dân tộc và yêu nước ở mức độ nhất định. Tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam bao gồm học sinh, trí thức, những người làm nghề tự do… đời sống bấp bênh, dễ bị phá sản trở thành người vô sản, có lòng yêu nước, căm thù đế quốc, thực dân, có khả năng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài truyền vào.

Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương - phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Sang đầu thế kỷ XX, khuynh hướng này không còn là khuynh hướng tiêu biểu nữa. Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại. Các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đó vô cùng anh dũng, nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới thất bại của các phong trào đấu tranh là do những người đứng đầu các cuộc khởi nghĩa, các phong trào chưa tìm được con đường cứu nước phản ánh đúng nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. Cách mạng nước ta đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Việc tìm một con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và thời đại là nhu cầu bức thiết nhất của dân tộc ta lúc bấy giờ.

Giữa lúc dân tộc ta đứng trước khủng hoảng về đường lối cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. (Còn tiếp)

P.V (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên