Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi

Cập nhật: 07-06-2023 | 06:30:39

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Dương Tấn Quân đặt câu hỏi chất vấn.

Ngày 6/6, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 của Kỳ họp thứ 5 với các phiên họp toàn thể tại hội trường, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Buổi sáng, từ 8 giờ đến 8 giờ 10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn.

Từ 8 giờ 10 đến 11 giờ 30, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Tại phiên chất vấn đã có 35 đại biểu chất vấn, 11 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung sau: giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn chất vấn về thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Buổi chiều, từ 14 giờ đến 14 giờ 20, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Từ 14 giờ 20 đến 14 giờ 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, trong đó nêu rõ phiên chất vấn diễn ra sôi nổi; đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề mà người dân, cử tri và doanh nghiệp đang rất quan tâm; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như tổ chức thực hiện những nội dung thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất, tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược quy hoạch, Đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng giao nhiệm vụ…

Thứ hai, trong năm 2023 rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định; đồng thời làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế; chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách, ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách, pháp luật và bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023 và xem xét thông qua vào Kỳ họp đầu năm 2024; việc sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cần bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác; bảo đảm công tác quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, sinh lời, cân đối thu, chi trong dài hạn.

Thứ năm, Tòa án Nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội; đồng thời xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân; chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số; khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt và chủ động; sớm có giải pháp cụ thể, giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hướng tới việc làm bền vững, việc làm xanh và thu nhập thỏa đáng.

Từ 14 giờ 30 đến 17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn đã có 27 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung sau: trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=523
Quay lên trên