Chủ tọa điều hành khoa học, chất vấn và trả lời đúng trọng tâm

Cập nhật: 07-06-2023 | 16:36:10

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn.

Sau 1,5 ngày diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc, đều đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và người dân cả nước.

Chia sẻ quan điểm bên hành lang Quốc hội ngày 7/6, nhiều đại biểu cho rằng phiên chất vấn thành công với không khí sôi nổi, trách nhiệm và tập trung.

Những câu hỏi đại biểu Quốc hội đưa ra bám sát chủ đề, tình hình thực tiễn, các Bộ trưởng trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu, câu trả lời đều đúng, trúng, trực diện các vấn đề được đặt ra.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đánh giá cao phần điều hành rất sắc sảo, linh hoạt của chủ tọa.

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) cho biết rất ấn tượng với phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Với tư duy bao quát, Chủ tịch Quốc hội đã điều hành phiên chất vấn khoa học, dẫn dắt cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đi đúng "quỹ đạo," đúng trọng tâm, trọng điểm, thời gian quy định.

Sau mỗi ý kiến trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã nêu những nội dung mà Bộ trưởng/trưởng ngành chưa trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng theo ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, từ đó tạo điều kiện cho các Bộ trưởng/trưởng ngành bổ sung kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã kịp thời yêu cầu các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, cũng như một số Bộ trưởng có liên quan tham gia trả lời, từ đó làm sáng rõ hơn các vấn đề.

Đồng tình với nhận định này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá Chủ tọa điều hành phiên chất vấn rất sắc sảo, linh hoạt, nắm chắc các nội dung ở từng lĩnh vực, theo sát diễn biến của phiên chất vấn cũng như phần trả lời của các Bộ trưởng để có điều chỉnh phù hợp, giúp nội dung phiên chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm hơn.

Thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội kỳ vọng những vấn đề còn đang vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống, kể cả trên nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, các lĩnh vực xã hội đều sẽ được giải quyết nhằm đạt được kết quả theo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra...

Theo nhiều đại biểu, những vấn đề Quốc hội lựa chọn để chất vấn đều là những vấn đề rất cần thiết, sát với thực tiễn cuộc sống.

Cử tri, nhân dân cũng đang mong muốn qua chất vấn có thể sẽ mang lại kết quả tốt để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) mong những vấn đề còn đang tắc nghẽn, vướng mắc trong thực tiễn sẽ được làm rõ và có giải pháp tháo gỡ một cách có hiệu quả cũng như giải quyết dứt điểm.

Những vấn đề còn đang vướng mắc trong thực tiễn, kể cả trên nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, các lĩnh vực xã hội đều sẽ được giải quyết nhằm đạt được kết quả theo các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cũng như là các mục tiêu của phát triển kinh tế-xã hội trong cả giai đoạn.

Năm 2022, với sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và quân dân cả nước, dịch COVID-19 đã được khống chế, kinh tế-xã hội đã được phục hồi.

Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và các nhiệm vụ khác đã đạt được toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm lại và nhiều vướng mắc trên các lĩnh vực; một số chỉ tiêu về kinh tế-xã hội khó có thể đạt được chỉ tiêu đề ra.

“Chúng tôi rất mong các tư lệnh ngành sớm có sự phối hợp, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để có một sự thông thoáng, phù hợp đối với hệ thống các văn bản dưới luật. Việc làm này cũng nhằm giúp cho các địa phương dễ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tháo gỡ những vấn đề trong thực tiễn đời sống đang đặt ra,” đại biểu đại biểu Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.

Đại biểu lấy ví dụ như tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động hay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, xuất khẩu ở một số hàng hóa đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, khả năng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đơn đặt hàng để xuất khẩu còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng tăng lên.

Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ lớn không phải chỉ cho năm 2023 mà cho cả giai đoạn 2021-2025./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=578
Quay lên trên