Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra được các ban ngành, đoàn thể TP.Thuận An triển khai bằng nhiều hình thức. Các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia nhiệt tình, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức BVMT.
TP.Thuận An hướng đến mô hình các tuyến đường không rác, khu phố không rác. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh quét dọn rác trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, phường An Thạnh
Theo đó, UBND TP.Thuận An đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ người dân. Điển hình như chương trình “Phân loại rác thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố” được tổ chức thí điểm tại phường Lái Thiêu. Phân loại rác thải tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Hầu hết chi phí cho việc xử lý rác đều do ngân sách Nhà nước chi trả, do đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, BVMT.
Hiện nay, mỗi ngày TP.Thuận An phát sinh từ 500 - 600 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ dân do UBND các xã, phường hợp đồng với các tổ rác dân lập thu gom và vận chuyển về trạm trung chuyển Thuận Giao. Các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định. Chi phí vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được sử dụng từ kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ hàng năm cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), chi phí thu gom, vận chuyển rác từ các hộ dân đến trạm trung chuyển do người dân chi trả.
Theo lãnh đạo Phòng TN&MT TP.Thuận An, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến môi trường, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật BVMT trên địa bàn, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo đúng kế hoạch và hướng dẫn của UBND thành phố. Đồng thời, các phường quan tâm chỉ đạo thực hiện đấu thầu theo đúng quy định đối với công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quản lý và giám sát chặt chẽ các nguồn thải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải sinh hoạt của các hộ dân nằm trong mạng lưới thu gom và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn.
Hiện nay, Sở TN&MT đang xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể mức giá thu gom từ nhà dân đã được phân loại theo quy định. Khi UBND tỉnh ban hành đơn giá này, Phòng TN&MT TP.Thuận An sẽ nhanh chóng tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn.
Để công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh việc thực hiện của ngành môi trường, sự hợp tác của người dân, các đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý, rất cần sự quan tâm của ngành văn hóa thông tin và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện. Phòng TN&MT sẽ tăng cường phối hợp với các đoàn thể, UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến mọi đối tượng người dân trên địa bàn.
PHƯƠNG ANH