Nhằm hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, các cấp, các ngành, địa phương đã chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi để người “lầm lỡ” xóa bỏ mặc cảm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có việc tạo điều kiện để họ vay vốn làm ăn.
Chủ trương đúng đắn
Công tác giúp đỡ người sau khi chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được nêu rõ trong Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Công tác tuyên truyền pháp luật thường xuyên được các ban ngành tổ chức để nâng cao kiến thức pháp luật cho người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8- 2023 (Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn tín dụng để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm, giúp họ trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự, cho biết Bình Dương là một trong những tỉnh có lượng bị án giam giữ lớn so với các địa phương khác trong cả nước, dẫn đến số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn tỉnh cũng tăng theo.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, xác định tầm quan trọng của công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3600/ KH-UBND, Công văn số 1551/ UBND-NC chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp tăng cường phối hợp triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay lãnh đạo các cơ quan, địa phương đã quan tâm, sâu sát, đồng thời chỉ đạo cán bộ phụ trách trực tiếp xác minh từng trường hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp có tâm lý e ngại, tránh né tiếp xúc khi lực lượng cán bộ phường đến thăm hỏi, tiếp cận”, đại tá Nguyễn Thanh Điệp cho biết.
Nhiều trường hợp được hỗ trợ vay vốn
Liên quan đến việc cho vay đối với những người sau khi chấp hành xong án tù và tái hòa nhập cộng đồng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết Quyết định số 22 được thực hiện ngày 10- 10 và quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay.
Sau khi quyết định có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai đến các địa phương trong toàn tỉnh. Sau đó UBND phường, xã và công an địa phương sẽ xác nhận các điều kiện để hỗ trợ người có nhu cầu vay vốn. Qua triển khai, huyện Bắc Tân Uyên đã hoàn tất hồ sơ cho 7 người có nhu cầu vay vốn.
“Việc quy định các nguồn vốn theo Quyết định số 22 thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có công ăn việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.800 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, trong số đó hiện đang theo dõi, quản lý, giáo dục 1.157 người chấp hành xong án phạt tù còn án tích. Tính đến ngày 15-10, địa bàn tỉnh ghi nhận 1.380 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, trong đó án treo có 1.323 người; cải tạo không giam giữ có 57 người. |
PHƯƠNG QUỲNH