Chú trọng giáo dục tâm lý - kỹ năng

Cập nhật: 06-07-2011 | 00:00:00

Năm học 2010-2011, trường THPT Trần Văn  Ơn (TX.Thuận An) đã đưa môn tâm lý - kỹ năng vào giảng dạy cho học sinh (HS). Có lẽ đây là ngôi trường đi tiên phong trong việc cung cấp kiến thức cho HS ở lĩnh vực này. Dù thời lượng chương trình không nhiều và mới triển khai được 3 tháng nhưng qua đó đã cung cấp  cho HS các kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi, các kỹ năng sống; nâng cao năng lực ứng xử trong các tình huống, từ đó định hướng cho các em có những hành vi tốt đẹp trong trong cuộc sống thường ngày.

Nội dung chương trình giảng dạy môn tâm lý - kỹ năng được xây dựng sát hợp với thực tế những gì các em cần được cung cấp ở lứa tuổi đang trưởng thành. Tùy theo HS ở từng khối lớp, giáo viên đưa ra chương trình giáo dục phù hợp và có đưa ra chủ đề cần giáo dục cho từng tháng. Với chủ đề “Tôi là ai?”, HS được tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi HS THPT, những phẩm chất cần thiết của một con người. Với bài: “Tôi đang ở đâu?”, các em cần biết về các mối quan hệ của con người; vị trí, vai trò của các cá nhân trong các mối quan hệ. Tìm hiểu về chủ đề: “Tôi phải làm gì?”, HS thấy được ý nghĩa của việc học tập, cũng như được thầy cô kể cho nghe những tấm gương vượt khó, thành công trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Trong quá trình dạy, giáo viên có đưa ra một số bài tập tình huống cho HS xử lý, cũng như có tổ chức kiểm tra hẳn hoi. Em Thanh Mai, HS lớp 11 bày tỏ: “Được thầy cô giáo dục, không chỉ riêng em mà các bạn đã có sự thay đổi tích cực về học tập và có những ứng xử tốt với bạn bè, những hiềm khích lẫn nhau cũng mau chóng được gỡ rối, tránh được tình trạng đánh nhau trong HS ”.  

 Cùng với các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trường THPT Trần Văn Ơn còn chú trọng giáo dục tâm lý- kỹ năng, chăm sóc sức khỏe học đường cho HS

Có đến trường Trần Văn Ơn chúng tôi mới biết nơi đây còn có phòng tư vấn - góc thân thiện hoạt động khá hiệu quả. Để thuận tiện cho HS đến tư vấn, nhà trường còn đặt thêm địa điểm tại phòng hiệu trưởng và văn phòng Đoàn. Và cũng từ phòng tư vấn này đã giúp gỡ rối tơ lòng cho nhiều HS đang có tâm trạng không tốt, tiếp thêm sức mạnh cho HS vượt qua khó khăn,  động viên nhiều trường hợp HS đã bỏ học trở lại lớp và học đến cuối cấp. Ở một trường hợp khác, một HS đánh bạn, các thầy cô ở trường dùng biện pháp nghiêm khắc giáo dục không hiệu quả, vậy mà khi được thầy cô nhỏ to khuyên răn, HS này đã nhận ra lỗi lầm và mong các thầy trong Ban giám hiệu tha thứ cho em. Có những em vì ngại đến gặp thầy cô để được tư vấn trực tiếp, các em đã bày tỏ những ưu tư qua hộp thư tư vấn của trường. Với những lý do tế nhị ấy, HS  được các thầy trả lời trong buổi sinh hoạt dưới cờ, như là lời nhắn gửi chung cho các HS khác.

Dạy chữ và dạy làm người, cả 2 việc đều quan trọng như nhau. Ở một ngôi trường mà đa số HS là con em công nhân lao động, ít được gia đình quan tâm, giáo dục, thì việc nhà trường đưa vào giảng dạy môn tâm lý - kỹ năng, cũng như tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn cho HS là việc làm rất có ý nghĩa, cần được nhân rộng. Ông Nguyễn Thanh Nguyện, Hiệu trưởng nhà trường đã từng nói với HS: “Tuổi các em là tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi, làm sao cho mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui, ý nghĩa, đừng mang ưu tư trong lòng mà thêm già và làm thụ động con người. 5 năm thành lập trường là quá ít để có thương hiệu, nhưng nhất định thầy trò chúng ta phải để lại những hình ảnh đẹp về trường. Hơn ai hết, mỗi HS phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập, để góp phần cùng nhà trường nâng dần chất lượng giáo dục, tạo được uy tín với xã hội”.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên
X