Chú trọng phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu

Cập nhật: 03-03-2023 | 08:45:29

Cùng với hệ thống y tế trong cả nước, ngành y tế Bình Dương không ngừng phấn đấu vươn lên và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên các mặt hoạt động. Đặc biệt, hệ thống điều trị đã tập trung phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, khẳng định bước đột phá trong y học hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

 Bệnh viện Quốc tế Becamex ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị bệnh

 Phát triển chuyên môn sâu

Thời gian gần đây, hệ thống điều trị y tế trong tỉnh không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu. Việc phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như đưa vị thế của các bệnh viện lên tầm cao mới trong chữa trị, cứu sống bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng, rất nặng.

Điển hình trong hoạt động này phải kể đến việc tái tạo ngón tay cái trong chấn thương dập nát bàn tay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Việc tái tạo ngón tay cái được các bác sĩ sử dụng phần đứt lìa còn khá nguyên vẹn của các ngón tay dài khác cùng bị cắt cụt nhằm cải thiện đáng kể chức năng bàn tay và cho phép tạo ra một ngón tay cái mới được cấy ghép. Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ Thái Trung, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Kỹ thuật này là một thách thức và hiếm khi được báo cáo kể cả trong và ngoài nước. Chúng tôi báo cáo 4 trường hợp đã được thực hiện kỹ thuật này và điều trị thành công. Sau thời gian phẫu thuật theo dõi tối thiểu 16 - 45 tháng, tất cả các ngón tay cái mới được cấy ghép đều sống và cử động, giúp bệnh nhân có được chức năng, thẩm mỹ ở bàn tay sau phẫu thuật”.

Bệnh viện Quốc tế Becamex cũng đã điều trị nhiều trường hợp về bệnh cột sống, đặc biệt có hai trường hợp vẹo cột sống nặng, xuất hiện biến chứng sớm. Phẫu thuật chỉnh hình vẹo cột sống là một kỹ thuật khó vì cột sống có cấu trúc phức tạp, là nơi chứa tủy sống và các rễ thần kinh quan trọng. Một ca phẫu thuật vẹo cột sống thành công và an toàn đòi hỏi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm cao của phẫu thuật viên cùng thiết bị chẩn đoán, phẫu thuật hiện đại trong chăm sóc, theo dõi sát suốt quá trình trong và sau phẫu thuật. Đó là trường hợp của anh N.Q.T. ở tỉnh Đồng Nai đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, cột sống vẹo. Sau khi khám, chụp cận lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Tuấn Linh, chuyên Khoa Ngoại cột sống chẩn đoán anh T. bị vẹo cột sống ngực sang phải có biến chứng khó thở nên cần được tiến hành điều trị sớm. Sau tư vấn, anh T. quyết định lựa chọn phương án phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp vít với thời gian 12 ngày. Sau phẫu thuật, vết mổ phục hồi tốt, vai, eo của anh T. bớt lệch hẳn.

Triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế

Trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Việc tiếp tục đưa các kỹ thuật chuyên sâu vào ứng dụng tại các bệnh viện trong và ngoài công lập có ý nghĩa rất lớn trong việc cứu sống, giảm tối đa di chứng với những bệnh nhân nặng, rất nặng. Nhiều bệnh lý như đột qụy, tim mạch, hồi sức cấp cứu... nếu bệnh nhân vào bệnh viện nhưng do bệnh viện chưa ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu mà phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sẽ bị bỏ qua “giai đoạn vàng” trong điều trị, sẽ để lại di chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong. Thực tế chứng minh bệnh nhân nặng can thiệp càng sớm hiệu quả càng cao”.

Điển hình như trước đây, những trường hợp sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng khi phát triển các kỹ thuật hồi sức cấp cứu chuyên môn sâu đã hạ tỷ lệ tử vong xuống đáng kể. Hoặc như đột quỵ, các kỹ thuật can thiệp kịp thời đã giúp bệnh nhân hồi phục thể lực cũng như chức năng thần kinh rất tốt, nâng cao chất lượng điều trị. Trong lĩnh vực tim mạch cũng thế, như bệnh nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp, những tổn thương về cấu trúc tim trước đây không giải quyết được nhưng nay can thiệp sâu vào những trường hợp bệnh lý nặng. Hay tắc mạch máu não thì giờ được khơi thông bằng thuốc, bằng dụng cụ, kỹ thuật rất chuyên sâu.

Cùng với sự phát triển chuyên sâu của bệnh viện, các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa - sản khoa, nội soi dạ dày, đại tràng, nội soi tai, mũi, họng, chụp UIV, chụp cắt lớp vi tính, nâng cao trình độ trong cấp cứu sản khoa, ngoại khoa, hồi sức sơ sinh, điều trị bệnh da liễu. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng đã triển khai chạy thận nhân tạo, giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh… Các Trạm Y tế xã cũng có đủ trang thiết bị cơ bản để hoạt động, một số trạm đã tích cực ứng dụng y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh; sử dụng có hiệu quả các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, điện tim, xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

 Để tiếp tục tạo bước đột phá trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân, các đơn vị điều trị trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu y học chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn, telehealth, đưa 100% bệnh viện tuyến huyện tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa, mạnh dạn đăng ký làm cơ sở bệnh viện vệ tinh, hạt nhân vệ tinh theo đề án của Bộ Y tế”.

(Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế )

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên