Chú trọng vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Cập nhật: 26-03-2022 | 08:55:44

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2022- 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội Nông dân (HND) tỉnh thực hiện chương trình phối hợp, đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, hiệu quả.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân tỉnh tiến hành lễ ký kết chương trình phối hợp

Nhiều nội dung phối hợp

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và HND Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021- 2025, Sở NN&PTNT và HND tỉnh xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2025 nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp trong tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao.

Đồng thời, việc thực hiện chương trình phối hợp giữa hai cơ quan góp phần phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ. Hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng NTM.

Chương trình phối hợp được triển khai cụ thể bằng kế hoạch hàng năm trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nguồn lực, phối hợp thống nhất, chặt chẽ có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Sở NN&PTNT và HND tỉnh. Cùng với đó, hoạt động phối hợp được thực hiện chủ động, tích cực, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động phối hợp, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Chú trọng chất lượng hoạt động

Thông qua chương trình phối hợp, hai bên sẽ hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn GAP; định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng nhiều chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với hiện nay (9 vùng tương đương diện tích khoảng trên 671,22 ha). Trong đó ưu tiên các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng nguyên liệu chế biến; hàng năm duy trì giám sát các vùng trồng đã được cấp mã số bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hai cơ quan cùng phối hợp và chỉ đạo ngành dọc thực hiện: Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, ưu tiên cán bộ hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phấn đến năm 2025 có 60% số lượng HND cấp xã đều có cán bộ am hiểu nhiệm vụ và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã. Trước mắt tập trung vận động, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 4 huyện theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2022- 2025 của Bộ NN&PTNT. Hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 50 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”, tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Thí điểm 4 hội quán nông nghiệp tỉnh Bình Dương.

Phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, chủ thể và người dân tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất các ngành hàng theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, phát triển du lịch nông thôn, hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong phát triển sản xuất, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các địa phương. Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” gắn với chương trình OCOP, nâng cao năng lực, kỹ năng về công nghệ số gắn với hoạt động tuyên truyền, kết nối sản phẩm OCOP, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở đó, định kỳ hàng năm hai bên sẽ tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình phối hợp, rút kinh nghiệm chỉ đạo và thống nhất kế hoạch triển khai năm tiếp theo. Cuối giai đoạn, hai bên sẽ tiến hành tổng kết, tiếp tục xây dựng phối hợp hoạt động giai đoạn tiếp theo.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương: Nội dung chương trình phối hợp hết sức cơ bản và đầy đủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai đơn vị. Tuy nhiên, để chương trình phối hợp trong giai đoạn 2022-2025 đạt được hiệu quả cao, đi vào thực tiễn, cả hai ngành tiếp tục nghiên cứu đề ra những nhiệm vụ cụ thể theo từng năm. Trong đó, nội dung cần tập trung vào hoạt động khuyến nông, tư vấn, tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT nhằm chia sẻ dữ liệu về nông dân, nông thôn với mục đích đưa người nông dân vào tiến trình số hóa, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân trên địa bàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=958
Quay lên trên