Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, đô thị: “Bức thông điệp” cuối cùng

Cập nhật: 09-11-2012 | 00:00:00

Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (ONMT) ra khỏi khu dân cư, đô thị trong thời gian qua mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng tình hình thực hiện chủ trương theo đánh giá là khá chậm, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Để thực hiện dứt điểm vấn đề này, giờ G đã được ấn định kèm theo nhiều giải pháp tổng thể, quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành. Đây được xem như là “bức thông điệp” cuối cùng gửi tới các cơ sở sản xuất gây ONMT tại khu dân cư, đô thị...

 Di dời chậm, vì sao?

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ONMT ra khỏi khu dân cư, đô thị thì giai đoạn 1 có 16 cơ sở nằm trong danh sách này và phải hoàn thành trước ngày 31- 12-2012. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 cơ sở đã hoàn thành di dời đến địa điểm mới, 1 cơ sở đã chấm dứt hoạt động và 3 cơ sở đã xác định được vị trí di dời, số còn lại đang xây dựng phương án hoặc chưa có kế hoạch và đang tiếp tục hoạt động.  

 Công ty Cổ phần Giấy An Bình xin được di dời vào KCN Nam Tân Uyên nhưng chưa được chấp thuận

Nguyên nhân thực hiện việc di dời chậm được xác định là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế gây khó khăn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi đó các cơ sở di dời chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, không huy động được nguồn vốn để tái đầu tư địa điểm mới. Việc tìm địa điểm mới cũng trở nên khó khăn khi hầu hết các khu công nghiệp (KCN) tiếp nhận đều triển khai hạ tầng chậm, nằm quá xa so với vị trí cũ làm tăng chi phí sản xuất; giá thuê đất cũng cao hơn. Trong khi đó, một số cơ sở do đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác nên việc di dời sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.

Ngoài ra, các cơ sở này mặc dù bề ngoài thì ủng hộ chủ trương của tỉnh nhưng chưa thực tâm chú trọng đến công việc di dời. Theo bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì đối tượng này nhiều nhất là các cơ sở cán thép phế liệu. Họ có tư tưởng tranh thủ hoạt động sản xuất tại địa điểm cũ đến khi nào bị đóng cửa mới tính chuyển đổi hoặc di dời. Còn một số cơ sở muốn nhận tiền hỗ trợ trước khi di dời nhưng không thể giải ngân vì không đúng thủ tục theo quy định, trong khi đó Nhà nước chỉ hỗ trợ còn phần chính vẫn thuộc về doanh nghiệp (DN). Còn theo đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh, giá đất không phải là trở ngại lớn nhất đối với DN, bởi như KCN Rạch Bắp giá thuê đất chỉ 32 USD/m2 trong mấy chục năm và giá này là do phía chủ đầu tư đưa ra chưa qua thương lượng. Hạ tầng kỹ thuật KCN này khá tốt, có nhà máy xử lý nước thải… nhưng họ vẫn không muốn vào vì ngại đường xa làm tăng chi phí. Hầu hết các cơ sở còn là đơn vị vệ tinh của những DN lớn nên họ không mấy mặn mà.

 Thời hạn cuối: Tháng 6-2013

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, không nhất thiết phải di dời, có những cơ sở nếu có vị trí tốt, thuận lợi thì có thể chuyển đổi công năng sang phát triển đô thị nếu phù hợp quy hoạch hoặc chuyển đổi ngành nghề, công nghệ…; Ban chỉ đạo công tác di dời cần phải vận động, thuyết phục và hướng dẫn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm theo hướng này. Nếu vừa thực hiện di dời, vừa chuyển đổi công năng  tùy điều kiện cụ thể của cơ sở thì chắc chắn sẽ nhanh hơn. Phải xem xét kỹ lưỡng từng đối tượng, cùng với việc hỗ trợ, vận động, tuyên truyền cần kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành. Trong danh sách đợt 1 chỉ có 2/3 số cơ sở có động thái hưởng ứng, 1/3 số còn lại đang có ý định chây ì thì phải quyết liệt. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chung, không đẩy ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác, vì thế Ban chỉ đạo cũng cần tính toán đến việc liên kết vùng chặt chẽ hơn. Ông Nam nói: “Trong quá trình thực hiện di dời cần tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tránh xảy ra trường hợp lấy cớ di dời để tranh thủ xả thải bừa bãi ra môi trường”.

Tại cuộc họp mới đây giữa Ban chỉ đạo và lãnh đạo tỉnh, thời điểm được ấn định là đến cuối tháng 12-2012, các cơ sở nằm trong danh sách di dời giai đoạn 1 phải có kế hoạch và địa điểm di dời; đến cuối tháng 6-2013 kết thúc việc di dời. Sau thời gian này, các cơ sở chưa di dời sẽ bị xử phạt theo quy định, từ phạt hành chính đến đóng cửa cơ sở. Để thực hiện “thông điệp” cuối cùng này, ngoài kế hoạch di dời của các cơ sở thì Ban chỉ đạo cần tiếp tục họp bàn để lựa chọn giải pháp tốt nhất nhằm hỗ trợ DN.

Theo đại diện Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, các cơ sở nằm trong danh sách di dời là đối tượng có thể được xét vay vốn ưu đãi từ quỹ để thực hiện việc di dời. Thời gian chốt danh sách các cơ sở được vay vốn không còn nhiều, nhưng cũng đủ để triển khai các bước thủ tục cho việc chuyển đổi công năng hoặc di dời đối với cơ sở. Do vậy, các cơ sở di dời cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục để vay vốn phục vụ cho việc di dời thuận lợi, còn nếu tính kế “hoãn binh” thì sẽ không được vay vốn.

 

 T.ĐỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=264
Quay lên trên