Chữa bệnh bằng... bùa!

Cập nhật: 13-04-2010 | 00:00:00

Hàng chục năm về trước, người dân thường kháo nhau có “chùa Năm Rộng” ở TX.TDM rất thiêng! Thế là họ tìm đến cầu an, giải hạn... Sau khi thầy Năm Rộng mất, hiện cơ sở thờ tự này vẫn tồn tại, chỉ khác rằng nơi đây đã và đang chuyên hành nghề trị bệnh bằng “bùa phép”...(?!)

Gọi là “chùa” nhưng thực ra nơi đây chỉ là một căn nhà cấp 4 cũ kỹ, được tôn tạo và bố trí một vài chỗ để thờ tự... Ngôi “chùa” này rất tĩnh mịch, nép mình ẩn sâu trong một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8, thuộc phường Hiệp Thành, TX.TDM nên ít ai để ý. Từ ngoài cổng bước vào là khoảng sân tương đối rộng với vài miếu nhỏ thờ Phật Quan Âm, ông địa... Nếu nhìn thoáng qua thì khó đoán được đây là một ngôi “chùa” như người ta vẫn đồn đại!

Ngay trước cửa vào nhà là những dòng thông báo về “giờ giấc làm việc” của thầy: “Muốn gặp thầy L. xin đến lúc... hoặc gọi điện thoại số 0918...”. Đây là kiểu thông báo như cách mà các bác sĩ phòng mạch tư vẫn thường đặt ngoài cổng. P.V chúng tôi đến tìm gặp thầy L. để nhờ xem tướng số, tình duyên... Không khác gì một số thầy xem ngày đang hành nghề trên địa bàn, thầy L. chỉ có “lèo tèo” vài cuốn sách xem tử vi bày trên bàn, còn lại trông thầy như một người bình thường. Thầy L. tuổi dưới 50, không cạo tóc, “diện” quần tây, áo sơ mi đóng thùng, tay đeo đồng hồ, nhẫn vàng chóe, to đùng trông giống cung cách “đại gia” chứ không phải như là một sư thầy như mọi người quen gọi; thậm chí không giống như người tu “tại gia” như cách của thầy giới thiệu.

Thầy L. đang “phán”

Trong lúc thầy L. đang mải mê mở sách để xem ngày, xem tuổi... P.V tranh thủ quan sát gian “chính điện”. Phòng khách nơi đây khá rộng với 4 bộ bàn, ghế. Tường nhà được vẽ nhiều bức tranh phong cảnh, chữ Hán. Ở giữa phòng khách là bức tượng bán thân mạ đồng thầy Năm Rộng có dòng chữ Trần Văn Rộng, SN 1907. Căn phòng thứ hai nhỏ và hẹp, chừng khoảng 15m2, là nơi thờ tự đức phật, các chư tăng...

Sau một hồi lật sách để xem ngày, tuổi... cho P.V cùng đi, thầy L. quả quyết với một P.V rằng: Em tuổi Tý “năm nay em gặp tam tai! Là chịu nhiều tai tiếng nên cần phải đi chùa, cúng dường nhiều hơn. Hàng tháng vào các ngày 14, rằm, 29 và 30 nên mua hoa, quả cúng dường, bố thí. Cúng, bố thí càng nhiều càng tốt ”!

 Khi P.V thắc mắc “vì sao chùa không đặt bảng hiệu cho dễ tìm và cơ sở này có nằm trong hệ thống Hội Phật giáo không?”, thầy L. giải thích: “Đây là một cách “tu tại gia”. Vì chùa này do ông Năm tự lập, không có vô Hội Phật giáo nên không có bảng hiệu. Nếu vô Hội Phật giáo thì tu phải cạo đầu và không được trị bệnh...”.

Khi trò chuyện với P.V, thầy L. cho biết: “Thầy là đệ tử của thầy Năm Rộng, tức thầy Trần Văn Rộng; vì thầy Rộng không có con nên khi mất, ngôi chùa này giao lại cho đệ tử trông coi (!?)”. Cả chùa hiện chỉ có vài người”. Gia đình thầy L. sống ở Củ Chi, TP.HCM; cứ mỗi sáng thầy qua chùa khám chữa bệnh, hoặc đi cúng bái khi có khách yêu cầu, chiều lại quay về với vợ con. Vì “tu tại gia” nên thầy không phải cạo đầu như các nhà sư trong chùa; thầy vẫn có vợ con, ăn uống như người bình thường...

Hỏi về vấn đề khám, chữa bệnh bằng “bùa phép”, thầy L. không ngần ngại cho biết: “Mỗi ngày, ngoài việc trông coi chùa, coi giải hạn, khai trương... cho khách, thầy còn chuyên “gỡ” các bệnh về tà ma, bị yếm bùa, ngãi, hoặc gặp “vong ám”... Nói chung, thầy L. chuyên khoa “gỡ bệnh” tức gỡ bùa, ngãi, vong hồn... những bệnh nào mà bác sĩ không chữa trị được thì thầy L. ra tay “trị” tất! Sau khi chẩn đoán, tùy theo từng loại bệnh mà thầy đốt bùa chú cho uống”. Thầy L. khẳng định: với những bệnh trên thì thầy trị trong vòng 2 - 3 ngày là bệnh giảm ngay. Thông thường mỗi ngày thầy trị cho khoảng 20 bệnh nhân.

Chúng tôi dẫn giải một vài trường hợp bệnh nhân bị một số bệnh “lạ” như đau bụng không rõ nguyên nhân, trẻ con khóc đêm... thầy nói những bệnh này thầy chữa được. Ngoài ra, thầy còn đề cập dịch vụ “chữa bệnh tại nhà”, tức người bệnh có nhu cầu mời thầy đến chữa bệnh, trừ tà thì thầy sẽ giúp ngay; mọi chi phí chữa bệnh sẽ tùy theo khả năng của mỗi người...

Nhóm P.V Pháp luật

 

Hành nghề mê tín dị đoan được biểu hiện ở những hành vi như bói toán, đồng bóng. Bói toán là hành vi phán đoán về những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, đang diễn ra trong hiện tại và sẽ xảy ra trong tương lai của một người và việc đoán này là hoàn toàn không có tính khoa học. Còn đồng bóng cũng là một hình thức của mê tín dị đoan mà người phạm tội lừa bịp khi tế lễ, lên đồng, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người bị hại tự cho là thần linh hoặc hồn người chết nhập vào mình trong một lễ cầu xin rồi phán bảo những điều mà họ cho là thánh phán khiến người bị hại tin và làm theo.

Tội hành nghề mê tín dị đoan xâm hại trực tiếp đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, đồng thời hành vi phạm tội này còn có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.

Tội hành nghề mê tín dị đoan được quy định tại Điều 247 BLHS:

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên