Những ngày tháng 7 tri ân, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa khắp nơi trong tỉnh. Và tinh thần ấy còn thể hiện rất sâu đậm trong từng tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Bình Dương. Với người cầm bút ở Bình Dương, tháng 7 là tháng viết về những bà mẹV iệt Nam anh hùng, những người lính trung dũng kiên cường đã hy sinh một phần thân thể, những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình cho dân tộc.
“Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những cảm xúc về người bạn cùng trang lứa Hồ Văn Mên cứ dâng tràn mãi trong tôi. Sau nhiều tháng ngày ấp ủ, tôi đã viết và chỉnh sửa hoàn chỉnh trong 2 tuần để cho ra bài vọng cổ nhịp 32 mang tên Nhớ về anh”. Đó là những lời chia sẻ về hoàn cảnh ra đời một xuất phẩm đầy cảm xúc của soạn giả Phong Vũ Hoài Phương (phường An Thạnh, TX.Thuận An), người đã từng có nhiều bài vọng cổ đang được đông đảo tài tử ở Bình Dương yêu mến. Soạn giả Phong Vũ Hoài Phương kể, sau khi “Nhớ về anh” ra đời, Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé đã thu âm và phát trên sóng FM. Theo đó, nhiều thí sinh trong các hội thi đờn ca tài tử đã tìm gặp ông để xin phép được dự thi bằng bài vọng cổ này. Bởi những lời kể trong bài vọng cổ chan chứa những tình cảm chân thật về một vị thiếu niên anh hùng mới 13 tuổi của quê hương mình, càng ca càng thấy hay và thấy tự hào vì những chiến công Hồ Văn Mên đã lập được trong quá khứ. “Ơi tự hào thay người con của quê hương Thạnh Lộc, người thiếu niên anh hùng của xứ sở miền Nam. Anh đã được Bác Hồ chăm sóc thương yêu bởi anh là đứa con của thành đồng Tổ quốc. Để chiều nay tôi bỗng nghe ai hát, bài hát về người anh hùng còn cõng trên lưng. Lòng tôi xao xuyến bâng khuâng, nhớ thương da diết người con của quê nhà…”.
Ngoài Hồ Văn Mên, Bình Dương còn nhiều tấm gương thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng được phổ thành ca khúc, viết thành thơ, truyện ký rất hay đang được đông đảo người mộ điệu yêu thích. Một trong số đó có thể kể đến là bài thơ “Tiếng hát quốc ca” của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ vào những ngày đầu năm 1946, viết về người chiến sĩthương binh hát quốc ca để thắng cái chết, thắng nỗi đau cưa chân bằng cưa thợ mộc. Hay truyện ký “Bông hoa trên tuyến lửa” của nhà văn Phan Đức Nam viết về chị Đoàn Thị Liên, người con gái vùng đất Chánh Phú Hòa, Bình Dương đã hy sinh để bảo vệ đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ. Tấm gương anh dũng của chị và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị thanh niên xung phong giải phóng miền Nam.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), các văn nghệ sĩ Bình Dương lại thêm một lần nữa chắt chiu từng vần thơ, nốt nhạc, những lời văn tinh túy nhất để tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người mẹ mất con và những người thương binh “tàn” nhưng không “phế” vẫn tỏa ngát hương giữa đời thường. Đọng lại trong lòng người viết nhiều cảm xúc nhất là bài hát “Khúc tưởng niệm” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Bài hát với những giai điệu nhớ thương da diết như càng làm vỡ òa cảm xúc của những người con đất Thủ dành cho người lính nơi hải đảo xa xôi. “Sóng vỡ òa gọi tên các anh, tên những miền quê xa xăm thương mến. Các anh hy sinh thịt xương hòa biển mặn. Có lẽ nào lòng mẹ hóa mồ sâu?...”.
Cũng với những tình cảm thiêng liêng hướng về ngày 27-7, nhạc sĩ Võ Đông Điền đã viết nên bài vọng cổ “Ngọn lửa từ trái tim”. Những lời ca trong tác phẩm như nhắc nhở các thế hệ trẻ hôm nay phải luôn giữ trong mình những ngọn lửa yêu thương, biết cống hiến, biết dựng xây để quê hương Bình Dương nói chung và đất nước Việt Nam ngày càng yên bình, giàu đẹp. Còn với nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, nhạc phẩm mới “Đừng khóc nữa! Mẹ ơi” là một lời tự sự chan chứa tình cảm dành cho các mẹ Việt Nam anh hùng nhân những ngày tháng 7 đầy thiêng liêng này. Bằng cách phổ nhạc bài thơ “Về với mẹ” của Hoàng Trọng Bình, nhạc sĩ đã làm cho những vần thơ thêm dạt dào cảm xúc qua những lời tự sự của người chết dành cho người sống, của những người con đã hy sinh trở về an ủi mẹ trong ngày giỗ. “Đừng khóc nữa, mẹ ơi! Đừng khóc nữa. Chúng con về đủ mặt mấy anh em. Dù có phải ngăn sông cách núi. Dù thân thể đã pha hòa cát bụi. Hồn vẫn về với mẹ yêu thương”...
THỤC VĂN