Bài phát biểu của Đại sứ Jon Huntsman về quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Tshinghua Bắc Kinh hôm 18-3 trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Mỹ tiếp tục tạo áp lực với Trung Quốc về câu chuyện tỷ giá đồng nhân dân tệ, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc công bố báo cáo tăng trưởng xuất nhập khẩu khả quan. Washington cho rằng chính sách neo tỷ giá cố định sẽ tạo môi trường mậu dịch quốc tế không công bằng, là nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đến nay vẫn duy trì ở mức cao 9,7% và làm giảm sức tiêu dùng vốn là nhân tố chiếm hai phần ba hoạt động nền kinh tế Mỹ.
Tỷ giá CNY/USD được neo giữ gần 20 tháng qua trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Cũng trong thời gian ấy, cán cân thương mại song phương Mỹ - Trung chênh lệch khá lớn, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ và các nước khác cải thiện đáng kể, góp phần làm giảm thâm hụt ngân sách của nền kinh tế hàng đầu châu Á. Trong khi đó đầu tàu kinh tế Mỹ vẫn ám ảnh với mức thâm hụt nặng.
Trung Quốc sẽ có cuộc thương lượng quan trọng với Mỹ về vấn đề tỷ giá trong tháng 4 tới, sau khi Quốc hội Mỹ họp vào ngày 12-4 để thông qua dự luật tiền Trung Quốc và trước thềm Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo ngân sách nửa năm một lần vào ngày 15-4.
Trung Quốc từng tuyên bố sẽ xem xét chính sách tỷ giá trong tình hình mới, song không đưa ra thời điểm cụ thể.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nội dung báo cáo nửa năm một lần của Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ ẩn chứa thông điệp chỉ trích Trung Quốc là nước dùng biện pháp tiền tệ để chi phối mậu dịch, gây ảnh hưởng tiêu cực rộng khắp lên hoạt động mậu dịch toàn cầu không riêng Mỹ. Điều này sẽ khoét sâu quan hệ bất ổn Mỹ - Trung hiện nay, thậm chí có thể xảy ra một cuộc chiến tiền tệ. Tuy nhiên, việc Mỹ gay gắt thực hiện bảo hộ mậu dịch trong thời gian qua có thể là cái cớ để Trung Quốc vin vào và bác bỏ cáo buộc nhân dân tệ là nguyên do chính gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Reuters dẫn lời Đại sứ Jon Huntsman trong bài phát biểu của ông tại Đại học Tsinghua, Bắc Kinh: "Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn trong vấn đề tỷ giá. Tôi có thể khiến bạn nghĩ sai nếu như cho rằng vấn đề này không quan trọng với Mỹ và có thể nó sẽ tiếp diễn. Chúng tôi sẽ chờ xem sự việc diễn tiến ra sao trong vài tuần tới. Quan hệ mậu dịch với Trung Quốc chưa cân bằng, chủ yếu do ảnh hưởng về vấn đề tiền tệ”.
Nói như vậy, song Huntsman cố gắng lên tiếng hòa giải và cho rằng cuộc thương thuyết sẽ không thể gây trở ngại các vấn đề hợp tác toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. “Những khác biệt hiện nay sẽ không khiến cho hai nước dừng hợp tác với nhau nhằm giải quyết các vấn đề về tạo công ăn việc làm, xử lý biến đổi khí hậu và ngăn chặn Iran phát triển chương trình vũ khí hạt nhân”.
Áp lực gia tăng từ Mỹ sau khi 130 nghị sĩ nước này gửi thư tới Nhà Trắng với yêu sách chính quyền của Tổng thống Obama phải buộc Trung Quốc định giá lại nhân dân tệ. Điều này dẫn tới phiên họp ngày 16-3 nhằm thông qua một dự luật trừng phạt Trung Quốc với sự đồng tình từ 5 thượng nghị sĩ, nếu Trung Quốc khăng khăng với chính sách neo tỷ giá cố định.
Trước bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép, giới chức Trung Quốc không bình luận nhiều, chỉ tuyên bố kiên định với chính sách tỷ giá ổn định. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho rằng yêu sách của Mỹ về đồng nhân dân tệ là không công bằng và ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ - Trung.
“Nếu một nước buộc nước khác phải định giá đồng tiền cao hơn, đồng thời định giá thấp đồng tiền nước mình và dùng chủ nghĩa bảo hộ để hạn chế nhập khẩu, sẽ gây hại không chỉ cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung mà còn cho toàn thế giới. Hành động này là một ví dụ tồi tệ cho chủ nghĩa bảo hộ, sẽ làm tổn hại tới tiến trình phục hồi kinh tế thế giới”, AP dẫn lời ông Qin Gang.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ để cho nhân dân tệ tăng giá từ từ trong năm nay, nhưng có thể mức tăng sẽ không hơn 5% so với đôla Mỹ vào cuối năm nay.
Trong cuộc viếng thăm Washington gần đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma cho hay chính sách tỷ giá Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu Ấn Độ. Tuy nhiên, ông nói: “Chúng tôi cho rằng chính sách này có thể không gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ”. Ấn Độ không có ý định tham gia cùng các nước khác tạo áp lực lên Trung Quốc phải định giá lại đồng nhân dân tệ.
Hội nghị Liên hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNTACD) diễn ra trong ngày 16/3, trong đó một số chuyên gia có luận điểm tái cân bằng kinh tế toàn cầu không thể chỉ dựa vào một nước và đồng tiền của nước đó.
Bản thảo cuộc hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Pittsburgh năm ngoái từng đề cập tới vấn đề của các nước giàu là cắt giảm thâm hụt ngân sách và các nước đang phát triển là vấn đề về thả nổi tỷ giá, nhưng không chỉ đích danh Trung Quốc.
(Theo VNE)