Năm học 2014-2015 là năm học đầu tiên Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức một kỳ thi quốc gia. Với sự đổi mới trong cách ra đề thi khiến rất nhiều học sinh bối rối trong cách ôn tập. Ở môn địa lý, theo ý kiến cá nhân người viết, khi ôn tập học sinh cần lưu ý một số xu hướng đổi mới sau:
- Về cấu trúc đề thi: Đề thi sẽ chỉ bao gồm một phần chung cho tất cả các thí sinh, không còn phần tự chọn như trước. Yêu cầu kiểm tra mức độ tái hiện kiến thức của thí sinh sẽ giảm và chiếm tỷ lệ điểm không cao.
Đề thi sẽ bao gồm 3 phần chính là kiến thức lý thuyết, kỹ năng atlat, kỹ năng địa lý khác (biểu đồ, bảng số liệu, tính toán…).
- Về các yêu cầu của đề thi đòi hỏi học sinh phải giải quyết:
Yêu cầu gắn các vấn đề ở Việt Nam trong các vấn đề nổi cộm ở khu vực và trên thế giới theo đúng tinh thần Việt Nam là một bộ phận của thế giới, là một thành tố trong quan hệ quốc tế giai đoạn hiện nay. Đây chính là một điểm nổi bật, điểm thể hiện rõ sự đổi mới trong cách ra đề thi của bộ và trở về với quan điểm học phải đi đôi với hành, học phải gắn liền với thực tiễn, kiến thức không được xa rời thực tiễn.
Yêu cầu phân tích một vấn đề tổng quát như một sợi chỉ xuyên suốt, xâu chuỗi các kiến thức tưởng chừng rời rạc, nhưng lại liên quan mật thiết với nhau. Ví dụ như khi phân tích vấn đề khai thác tài nguyên biển Đông đòi hỏi học sinh phải nắm vững vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, chính trị - quốc phòng của Việt Nam, khu vực… mới có thể giải quyết trọn vẹn, đạt điểm tối đa. Đây là các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng vững, biết xâu chuỗi những vấn đề đã học, các kiến thức liên quan một cách liền mạch.
Yêu cầu gắn một sự vật, hiện tượng hoặc yếu tố địa lý với các sự kiện thời sự cụ thể đã và đang diễn ra. Tuy điểm cho phần này không nhiều, nhưng là câu hỏi phân loại trong đề thi. Học sinh nào thường theo dõi tình hình thời sự và có tư duy tốt, liền mạch sẽ dễ dàng có điểm ở phần này. Ví dụ mối liên quan giữa địa hình nhiều đồi núi của Việt Nam với sự phát triển thủy điện ồ ạt và hiện tượng hạn hán, lũ quét… ở một số tiểu vùng địa lý.
Nhìn chung, sự thay đổi này là phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục cũng như định hướng phát triển, thay đổi cách dạy và học địa lý ở nhà trường phổ thông hiện nay.
KIM ANH (Giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương)