Tin đồn đoán xăng tăng giá khiến nhiều người đổ đi mua, hiện tượng găm hàng tái diễn. Bộ Công Thương đã 2 lần ra văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Chiều tối qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho PV biết chưa thể điều chỉnh giá bán xăng dầu mà vẫn phải tính toán, cân nhắc kỹ. "Các bộ ngành đang chịu rất nhiều sức ép nên bất cứ việc gì liên quan đến chuyện điều chỉnh giá cả đều cần được nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động mới có thể công bố", vị lãnh đạo này nói.
Trong khi đó, mấy ngày qua, nhiều người có phương tiện đi lại như ôtô, xe máy đã tranh thủ đi đổ xăng vì sợ chuyện "nhỡ đâu giá tăng". Tại Trạm xăng Nam Đồng, Hà Nội lúc 10h tối 18-2, vẫn đông người đến để đổ xăng. Anh Vĩnh ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết dù chiếc Mercerdes E200k của anh vẫn còn nửa bình song tiện đường anh vẫn ghé vào đổ cho đầy. "Chẳng biết khi nào giá tăng nhưng cứ tranh thủ vớt vát được đồng nào, hay đồng ấy", anh nói.
Cây xăng Nam Đồng, Hà Nội lúc 10h đêm 18-2, nhiều người vẫn kéo ra đây để đổ xăng.
Theo nhân viên bán hàng ở cây xăng này, mấy ngày qua, số lượng khách hàng tới mua xăng ở đây nhiều hơn trước. Đa phần khách hàng đến đây vì nhu cầu thực tế song cũng có trường hợp còn hơn nửa bình vẫn tranh thủ mua thêm cho đầy. "Có thể họ nghe tin tức gì đó về chuyện giá xăng có nguy cơ tăng. Còn chúng tôi là đại lý đầu mối vẫn cứ mở cửa bán hàng như bình thường cho đến khi nào có quyết định chính thức", nhân viên này nói.
Để tránh hiện tượng khách hàng phải chờ đợi lâu, cửa hàng này đã treo tấm biển đề dòng chữ "Khuyến khích khách hàng mua một mức 40.000 đồng một lần vào thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ và từ 16h30 đến 18h30 hàng ngày".
Một số điểm bán xăng dầu khác ở Hà Nội cũng cho biết những ngày qua, tình hình cung ứng xăng dầu và bán mua tại đây diễn ra vẫn bình thường chứ không chịu tác động bởi các thông tin xăng sắp tăng giá. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều độc giả, tại các huyện vùng ven hay một số tỉnh giáp gianh Hà Nội như Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng... hiện tượng găm hàng chờ tăng giá đã xuất hiện.
Lãnh đạo của một số doanh nghiệp kinh doanh đầu mối khẳng định vẫn đảm bảo nguồn cung ứng chứ không có việc găm hàng hay đứt đoạn việc bán. Đại diện Công ty xăng dầu Petec cho biết ông từng nhận được phản ánh của người dân về một cây xăng trong hệ thống dừng bán hàng. "Đích thân giám đốc chi nhánh của chúng tôi đã phải xuống tận địa bàn tỉnh Hà Nam kiểm tra. Kết quả cho thấy, cửa hàng này vẫn mở bán bình thường".
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khác thì cho rằng trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động, xăng dầu thế giới tăng cao song giá bán lẻ trong nước vẫn giữ ổn định, doanh nghiệp lỗ, việc có thời điểm nào đó nguồn cung bị gián đoạn là khó tránh khỏi. "Khi phát hiện cửa hàng nào găm hàng, dừng bán, chúng tôi sẽ cắt hợp đồng ngay", ông này cho biết.
Còn lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) khẳng định trước những phản ánh của người dân về chuyện đầu cơ găm hàng, cơ quan quản lý cần phải kiểm tra và chỉnh đốn. "Các đầu mối nhập khẩu đều đăng ký hạn ngạch với Bộ Công Thương nên cơ quan chức năng hoàn toàn có thể quản lý được việc nguồn cung có đảm bảo hay không”, ông này nói.
Theo các nhà nhập khẩu, ngoài chuyện giá thế giới tăng cao, tỷ giá đồng đôla biến động, còn một lý do nữa khiến họ gặp khó là việc mua USD để nhập hàng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nghĩ đến giải pháp nhập nhiều hơn xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để giảm áp lực ngoại tệ.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn - Nguyễn Hoài Giang cho biết, nguồn xăng dầu tồn trong kho của Dung Quất cũng không còn nhiều, chỉ vào khoảng 20.000 tấn. Thời gian qua, Dung Quất đã phải nâng công suất lên mức tối đa 105%-107% để đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường. "Chúng tôi đang cố gắng sản xuất thêm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, Dung Quất dù chạy hết công suất cũng chỉ đáp ứng khoảng 30-33% nhu cầu mà thôi", ông Giang cho biết thêm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng, Vụ thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương đã lập đường dây nóng để xử lý các trường hợp găm hàng nhằm đầu cơ xăng dầu.
Các trường hợp gọi điện đến đường dây nóng, chỉ trong vòng 15 phút, đội quản lý thị trường sẽ đến xử lý. Đội quản lý thị trường sẽ truy quét tất cả các trường hợp găm hàng trên 63 tỉnh thành. Bộ Công Thương xác định xử lý triệt để các trường hợp đầu cơ găm hàng. Bộ sẽ chỉ đạo các Sở Công Thương và chi đội quản lý thị trường kết hợp với công an để xử lý các trường hợp này. Sau khi nhận được báo cáo từ các đơn vị, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định xử lý hàng loạt. Các trường hợp vi phạm sẽ bị tước giấy phép. "Chúng tôi đang xử lý nhưng hiện con số này không công bố được", ông An cho biết thêm.
Ông An khẳng định, không có chuyện doanh nghiệp xăng dầu phân phối nhỏ giọt cho các đại lý kinh doanh xăng dầu. Bởi các doanh nghiệp này phải đăng ký theo kế hoạch. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo cung cấp đủ về lượng và chủng loại.
Theo VNE