Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1

Cập nhật: 07-06-2011 | 00:00:00

Cuối tháng 5 vừa qua, trẻ lớp lá đã giã từ trường mẫu giáo; sau 3 tháng nghỉ hè, các em sẽ bước vào cấp tiểu học. Ở môi trường học tập mới, ít nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ, thế nên việc chuẩn bị tâm thế, tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1 là việc làm cần thiết.

Phụ huynh cần hiểu đúng

Để biết phụ huynh (PH) chuẩn bị những gì trước khi con vào lớp 1, chúng tôi đã phỏng vấn một số vị có con em chuẩn bị vào lớp 1 và dĩ nhiên, mỗi PH có sự suy luận khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hằng Hà, có con sẽ vào lớp 1 trong năm học tới cho biết: “Tôi còn đứa con lớn học lớp 3, tối nào hai anh em chúng cũng kể cho nhau nghe chuyện học ở trường, qua đó ít nhiều cháu nhỏ cũng hiểu được môi trường học tập trong tương lai. Mới đây tôi còn đưa con đến tham quan ngôi trường con sẽ học để cháu làm quen trường mới, phương pháp học tập mới, để đến khi vào học cháu không cảm thấy xa lạ”.

  Ở trường mẫu giáo, trẻ được tập làm quen với chữ viết bằng nhiều hình thức 

Rời trường mẫu giáo để bước vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ. Nếu như ở trường mẫu giáo trẻ học mà chơi, chơi mà học, thì ở tiểu học, học là hoạt động chính. Thế nên, vai trò của cha mẹ trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp một là điều cần thiết. Có PH cho trẻ tập tô chữ để các em làm quen với chữ cái; người thì đưa con đi mua sắm dụng cụ học tập như viết, tập, thước, cặp... và để trẻ tự lựa chọn vật dụng yêu thích nhằm tạo sự thích thú, ham mê đi học ở trẻ.

 Thế nhưng, không phải PH nào cũng hiểu và quan tâm đến việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Bằng chứng là, khi được hỏi, có PH ấp úng “không biết phải chuẩn bị cho con những gì”. Có PH còn nói, con họ học ở trường mẫu giáo tư thục, cháu đã được dạy viết chữ, tập làm toán; có người thì cho con đi học thêm trước chương trình, vậy có còn gì để chuẩn bị nữa (?).

Ở một khía cạnh khác, đề cập đến việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, thạc sĩ tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM đã chia sẻ, muốn biết trẻ có sẵn sàng vào lớp 1 không, cần dựa vào nhiều khía cạnh. Về thể lý, PH xem các chỉ số phát triển của con có ổn không, như: phát triển não, khả năng vận động, khả năng nhận biết, sức khỏe tổng thể. Về nhận thức, PH thử xem con có trí nhớ tốt không, khả năng chú ý, tưởng tượng, sáng tạo... Về cảm xúc - xã hội, cha mẹ nên để ý trẻ có hiểu và biểu lộ cảm xúc, cũng như có kỹ năng giao tiếp với người xung quanh. Nếu những vấn đề trên là bình thường thì trẻ đã sẵn sàng vào lớp 1, ngược lại trẻ cần có sự can thiệp từ những nhà tâm lý.

Nhà trường chuẩn bị

Vào lớp 1, điều đầu tiên là môi trường học tập của trẻ sẽ khác nhiều so với khi còn học mẫu giáo. Vào trường các em phải chấp hành nội quy, phương pháp học tập mới, học nhiều môn khác nhau, về nhà phải làm bài tập... trẻ sẽ gặp khó khăn nếu không được chuẩn bị tốt về tâm lý. Từ những ý nghĩa trên nên từ khi học lớp lá trẻ đã được các cô quan tâm, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Ở đây, trẻ được làm quen với 29 chữ cái, được cô hướng dẫn tô, đồ chữ dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, các cô còn hướng dẫn trẻ ngồi đúng tư thế, cách cầm viết đúng, cách mở tập...

Liên quan đến vấn đề này, Ban giám hiệu các trường mẫu giáo đều  cho biết, trong chương trình mẫu giáo có dạy cho trẻ làm quen với trường tiểu học. Trong thời gian 2 tuần, trẻ được các cô hướng dẫn vẽ trường tiểu học, cắt dán dụng cụ học tập; khi vào lớp 1 cần có những đồ dùng - dụng cụ học tập gì, những môn sẽ học ở tiểu học, sự khác nhau khi học mẫu giáo và lớp 1, ở tiểu học các em phải chấp hành kỷ luật về giờ giấc và các nội quy, quy định của nhà trường.

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là chuẩn bị tâm thế, tâm lý cho trẻ. Những hỗ trợ tích cực hoặc những can thiệp cần thiết  trước hết từ cha mẹ, giáo viên sẽ giúp trẻ vượt qua được những trở ngại khi bước vào lớp 1. Lớp 1 là lớp khởi đầu cho con đường học tập của trẻ, nếu được chuẩn bị tốt, trẻ sẽ phát huy được khả năng học tập ở trường tiểu học, làm bước đệm để trẻ học tốt ở những cấp học kế tiếp. Vì vậy, gia đình - cộng đồng - trường học cùng sẵn sàng thì trẻ sẽ sẵn sàng vào lớp 1. Ông Đổng Ngọc Chiếu, Trưởng phòng giáo dục- tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo đã cho biết như vậy.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X