Chuẩn bị cho việc cắt sóng 2G từ tháng 9-2024

Thứ năm, ngày 18/07/2024

Đến tháng 9-2024, các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, đây là bước chuẩn bị để tiến tới tắt sóng 2G vào năm 2026.

Ngày 18/7, báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) tổ chức tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?”.


Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo lộ trình Bộ TT&TT đề ra, đến ngày 15/9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ, phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet cho hay, việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Thống kê đến tháng 6/2024, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai tắt công nghệ cũ, đa số các nước đã tắt 2G, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017, năm 2018 là Australia.

Bộ TT&TT đã có những chính sách chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G như không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử, tắt sóng 2G là xu hướng tất yếu mang lại lợi ích cho nhà mạng, Nhà nước và người dân. Ở Việt Nam, việc tắt sóng 2G không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng. Và điều quan trọng nhất là người dân phải có smartphone...

Từ góc độ nhà mạng, ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám Đốc VNPT VinaPhone cho rằng: Đơn vị xác định đây là việc trước sau phải làm, công ty đã có lộ trình chuẩn bị trạm 4G để thay thế 2G; đang sử dụng tần số 900 phủ sóng xa. Khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, song, VinaPhone đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G, đảm bảo người dân yên tâm trải nghiệm.

“Những người chỉ có nhu cầu nghe gọi nhắn tin không gặp vấn đề, chỉ cần chuyển đổi thiết bị. VinaPhone cam kết với Bộ TT&TT đến tháng 9, tất cả khách hàng sẽ chuyển sang 4G. Hiện còn khoảng 1,5 triệu khách hàng chưa chuyển đổi, mặc dù đã làm nhiều cách. Do đó, khi tắt sóng 2G một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn phải làm đồng bộ từ quản lý, chính sách, tiêu chuẩn, thị trường”, ông Lê Đắc Kiên chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất, nên số lượng thuê bao 2G cũng lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao. Từ nay tới ngày 15/9 sẽ tiếp tục nỗ lực xóa công nghệ cũ, chuyển sang công nghệ mới”.

Theo ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế giới di động, doanh nghiệp đã nhận được thông tin của Bộ TT&TT về kế hoạch tắt sóng 2G và đã chủ động, liên hệ với các hãng di động, đồng hành cùng các nhà mạng, hỗ trợ các sản phẩm SIM data miễn phí... để khách hàng chuyển dịch trong tương lai. Khách hàng sẽ có 2 xu hướng: Nhóm điện thoại "cục gạch" 2G sẽ chuyển lên 4G và chuyển lên smartphone, đơn vị sẽ hỗ trợ cho khách hàng các dòng máy từ 390.000 đồng - 1,5 triệu đồng, thay SIM miễn phí, tặng thêm data; khách hàng mới sử dụng smartphone ở mức giá 1,9 - 5 triệu đồng sẽ được hỗ trợ SIM hoặc data miễn phí...

Theo TTXVN

Từ khóa: