Chung tay bảo vệ chim trời

Cập nhật: 13-05-2023 | 06:20:31

Bài 2: Bảo vệ chim hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

Thời gian qua, ngành chức năng đã và đang nỗ lực nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác, sử dụng chim hoang dã (CHD) vào mục đích thương mại. Song song đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung và CHD nói riêng đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

“Giải cứu” chim hoang dã

Theo ghi nhận, tại Bình Dương, công tác bảo vệ CHD được chính quyền địa phương và ngành chức năng chú trọng thực hiện, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và hạn chế nguy cơ xảy ra dịch bệnh liên quan đến CHD. Ông Nguyễn Văn Ớ, Chi cục Trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh triển khai kế hoạch phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo tồn các loài CHD, di cư trên địa bàn.

Cơ quan chức năng tiến hành thả chim quý, hiếm về môi trường tự nhiên

Thực hiện kế hoạch trên, lực lượng chức năng đã rà soát, lập danh sách các nhà hàng, cơ sở kinh doanh chim cảnh, quán nhậu… trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm để tập trung kiểm tra. Song song với công tác kiểm tra, các đơn vị chức năng còn tổ chức cho nhà hàng, cơ sở kinh doanh ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, mẫu ĐVHD và các loài CHD không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng kiểm lâm tỉnh còn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nắm tình hình, tăng cường trinh sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD nói chung và CHD nói riêng.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Hiện tại ở Việt Nam có hơn 900 loài chim, trong đó có 12 loài đặc hữu, 9 loài rất nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương, 44 loài bị đe dọa… Các vùng CHD đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời mang lại các giá trị quan trọng cho đất nước ta, vừa góp phần đa dạng sinh học, vừa phát triển du lịch sinh thái… Việt Nam cũng là thành viên của Công ước quốc tế Ramsar về bảo vệ các khu đất ngập nước quan trọng là nơi sinh sống của các loài CHD; đồng thời là thành viên của đối tác bảo tồn chim di cư tuyến Australia - Đông Á.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt kế hoạch trên, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện một số cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về bảo vệ CHD. Chỉ riêng trong tháng 4-2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 3 cơ sở về hành vi tàng trữ, mua bán ĐVHD (29 cá thể chim).

Cùng với công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng các ngành chức năng còn tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ ĐVHD nói chung và CHD, di cư nói riêng. Trong tháng 4-2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã phối hợp với đơn vị liên quan tiếp nhận 3 trường hợp người dân tự nguyện giao nộp 12 ĐVHD, trong đó có 10 cá thể chim các loại; nâng lũy kế từ đầu năm đến nay là 11 vụ, 22 cá thể ĐVHD các loại. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã lập thủ tục gửi cho WAR cứu hộ, nuôi dưỡng 1 cá thể tê tê, 1 cá thể mèo rừng, 1 cá thể chim công, 1 rắn hổ mang chúa, 2 cá thể rùa và 2 trăn đất. Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang nuôi dưỡng 5 cá thể khỉ và 10 cá thể chim trong thời gian chờ lập thủ tục xử lý theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Ớ, số lượng cá thể chim thu giữ tại những cơ sở trên được đơn vị bàn giao cho Trung tâm Bảo hộ ĐVHD (WAR) để chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm phục hồi bản năng hoang dã để thả về môi trường tự nhiên phù hợp theo quy định. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thả hơn 250 cá thể động vật quý, hiếm gồm: Chim sáo, vẹt, cu cườm, khướu đầu bạc, chào mào, vành khuyên… tại khu vực rừng Kiến An (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng).

Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng

Theo đánh giá, hiện tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài CHD, nhất là chim di cư vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái; tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài CHD, di cư tại Việt Nam (gọi tắt là Chỉ thị 04).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật đối với CHD, di cư. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng ngập nước, sân chim, vườn chim và vùng chim quan trọng trên địa bàn. Các địa phương tổ chức triển khai cho cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật ĐVHD không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, UBND cấp tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về CHD, di cư; đồng thời tổ chức triệt phá tụ điểm buôn bán các loài CHD, di cư trái pháp luật trên địa bàn…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về bảo tồn các loài CHD, di cư tại Việt Nam, ngày 21-10-2022 UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo tồn các loài CHD, di cư. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phổ biến nội dung Chỉ thị 04 đến toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động thuộc đơn vị và yêu cầu không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tàng trữ, tiêu thụ và quảng cáo các loài CHD, di cư trái pháp luật. Các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ CHD….

Đối với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp trong thanh, kiểm tra nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ CHD, khu vực trọng điểm… để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ CHD.

Người dân giao nộp chim quý
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà ý thức bảo vệ ĐVHD của người dân ngày càng được nâng cao, một số người dân đã tự nguyện đến cơ quan chức năng giao nộp ĐVHD, trong đó có cả chim quý, hiếm. Cách đây không lâu, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 1 cá thể chim diều lửa (Haliastur indus), trọng lượng 480 gram, bị cụt chân trái, do người dân tự nguyện giao nộp.
Cá thể chim diều lửa này được ông Lê Thanh Tùng (ngụ tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) phát hiện trước nhà và bị thương ở chân sau một cơn mưa lớn. Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc diều lửa, ông Tùng tìm hiểu và biết được đây là loài chim thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ nên ông đã làm đơn tự nguyện giao nộp cho cơ quan kiểm lâm để chăm sóc, cứu hộ. Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm đã tạm gửi cho WAR tại ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng để chăm sóc, cứu hộ.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên