Chung tay bảo vệ chim trời – Bài 1

Cập nhật: 12-05-2023 | 08:28:19

Bài 1: Nhộn nhịp mua bán chim giữa lòng đô thị

Thời gian qua, hoạt động mua bán chim hoang dã (CHD), trong đó có nhiều loài quý hiếm, diễn ra nhộn nhịp tại các điểm kinh doanh chim cảnh và trên mạng xã hội. Tình trạng trên không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho người.

Rao bán chim quý

Dạo quanh các trục đường chính tại TP.Dĩ An, chúng tôi ghi nhận có hơn chục cơ sở kinh doanh chim cảnh. Các loại chim được bán ở đây rất đa dạng từ những loại chim thông thường như chào mào, chích chòe… đến các loại chim quý hiếm như nhồng (yểng), vẹt, khướu, kim oanh… Các loại chim này được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng một con.

Trong vai người “chơi” chim cảnh, chúng tôi vào cửa hàng chim cảnh Nh. Q. trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp) để hỏi mua chim nhồng để về luyện nói. Chị chủ cửa hàng cho biết chim nhồng đã hết “hàng” ít lâu vì không phải “mùa”. Thấy chúng tôi nhìn kỹ lồng yến phụng, chủ cửa hàng giới thiệu ngay: “Con này cùng họ với vẹt, nhìn dễ thương và được nhiều người ưa chuộng. Chim này cũng dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là trái cây. Nếu em thích thì để lại với giá mềm”. Thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự, chủ cửa hàng tiếp tục giới thiệu các loài chim được bày bán tại đây như chào mào, cu gáy, thanh tước…


Chủ cửa hàng chim cảnh trên đường Huỳnh Văn Lũy (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) rao bán mỗi con chim nhồng 2 triệu đồng

Cũng trên tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận còn có 2 cửa hàng chim cảnh, bày bán nhiều loài CHD cùng thức ăn, lồng chim để phục vụ cho giới “chơi chim”. Đặc biệt, một số cửa hàng chim cảnh ở tuyến đường này còn tổ chức hội thi “chim hót - đấu” để những người nuôi chim cảnh “giao lưu” với nhau.

Chúng tôi tiếp tục đến một cửa hàng bán chim cảnh không tên ở đường Huỳnh Văn Lũy (khu phố 6, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) để hỏi mua chim khướu về hót cho “vui nhà”. Trong căn ki-ốt rộng khoảng 30m2 nhưng cửa hàng này bày bán nhiều loài chim với số lượng hàng trăm con được nuôi nhốt trong những chiếc lồng đủ kích cỡ, màu sắc sặc sỡ. Thấy có người vào, những chú chim trong lồng hoảng sợ bay loạn xạ, kêu inh ỏi.

Tiếp chúng tôi, anh chủ cửa hàng cho biết hiện chỉ còn một con khướu, nếu chúng tôi “ưng” thì để lại 2,2 triệu đồng. Thấy giá quá “chát”, chúng tôi chuyển qua hỏi mua chim nhồng thì anh này cho biết còn có 6 con, giá 2 triệu đồng/1 con. “Nhồng này dễ nuôi. Nếu về thường xuyên luyện thì khoảng 8 tháng sẽ biết nói”, chủ cửa hàng cam kết.

Khi chúng tôi đến cửa hàng chim cảnh trên đường 3-2 (khu phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) để hỏi mua vẹt thì chủ cửa hàng cho biết ở đây có bán chim vẹt nhưng do trời nắng nóng nên đã chết hết. Ông chủ cửa hàng gợi ý chúng tôi chuyển sang “chơi” chim nhồng vì chúng “nhại” được tiếng người, không thua kém loài vẹt. Sau đó, người đàn ông này mở thùng carton đặt ở trước mặt thì liền có 3 con nhồng “non” chồm lên há miệng chờ mớm thức ăn. Người này ra giá 1,6 triệu đồng mỗi con nhồng, nếu chúng tôi “chốt” hết 3 con thì sẽ “bớt chút lộc”.

Hoạt động mua bán CHD không chỉ diễn ra tại cơ sở kinh doanh chim cảnh mà còn cả trên mạng xã hội. Thông qua công cụ tìm kiếm trên Facebook, chúng tôi tìm thấy nhiều nhóm “mở” về CHD, chim cảnh với hàng ngàn thành viên tham gia. Để “qua mặt” lực lượng chức năng và chính sách “kiểm duyệt” của Facebook, các thành viên trong những nhóm này thường dùng từ “bảo tồn”, “trao đổi”, “sang tay”... để chỉ hoạt động mua bán chim cảnh, CHD. Trong nhóm “Hội Chim cảnh Bến Cát” với 6.400 thành viên, nhiều thành viên đăng bài viết rao bán các loài chim cảnh từ thông thường đến loài quý hiếm.

Vào ngày 5-4, tài khoản Facebook có tên Trần Duy Thanh đăng bài viết trên nhóm này với nội dung “nhượng” một đôi chim khướu đầu đen má bạc trống đã được “bổi” 1 tháng trong lồng với giá 2,6 triệu đồng. Ngay sau đó, bài viết thu hút nhiều thành viên tham gia tương tác để thỏa thuận giá “sang tay” cặp chim khướu đầu đen má bạc trên.

Tương tự, trên nhóm “Hội Chim cảnh Bình Dương”, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc chim cảnh, nhiều thành viên còn tranh thủ rao bán các loài CHD như nhồng, chào mào, sáo… Sau nhiều ngày theo dõi các hội nhóm về chim cảnh, chúng tôi nhận thấy các thành viên tham gia thường sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động mua bán chim cảnh. Thậm chí có cả các loài thuộc danh mục quý, hiếm, được pháp luật bảo vệ và hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Trong mỗi bài viết rao bán CHD, các thành viên trong nhóm thường trao đổi riêng để thỏa thuận giá bán cùng thời gian, địa điểm giao chim.


Chim khướu đầu đen má bạc được rao bán trên Facebook Hội Chim cảnh Bến Cát

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), lợi dụng sự tiện lợi của internet, nhiều đối tượng đã và đang ngang nhiên quảng cáo buôn bán các loài ĐVHD trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok và YouTube để thu lợi bất chính. Trên thực tế, hầu hết các đối tượng quảng cáo, buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên không gian mạng đều ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, lợi nhuận cao và rủi ro thấp đã khiến tình trạng vi phạm ngày càng bùng nổ trên internet như hiện nay.

Chỉ trong vòng 5 năm (2017-2021), ENV đã ghi nhận hơn 6.300 vụ có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD trên internet, chiếm hơn 54% tổng số vi phạm trong giai đoạn này. Tính đến ngày 12-7-2022, ENV đã ghi nhận 1.862 vụvi phạm về ĐVHD, trong đó có đến 53% trong số đó được phát hiện trên không gian mạng với 985 vụ.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng Luật Bigboss Law (Đoàn Luật sư Bình Dương), Việt Nam đã có nhiều quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), bao gồm cả các loài CHD. Việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và sở hữu các loài ĐVHD trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đều bị cấm và bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này được quy định rõ trong Điều 244 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ ĐVHD có thể bị xử lý với các hình thức như phạt tiền, tù giam từ 1 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, hành vi săn bắt động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Tùy thuộc vào loại động vật bị săn bắt là động vật rừng thông thường hay động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và giá trị của chúng mà bị xử phạt theo các khung hình phạt khác nhau.

“Để bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ ĐVHD, chính quyền cần có các biện pháp quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động mua bán chim cảnh. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra để phát hiện và xử lý các hoạt động vi phạm. Nếu quy định về bảo vệ ĐVHD được thực hiện đầy đủ thì sẽ giúp bảo vệ các loài CHD khỏi việc săn bắt, buôn bán và tàng trữ trái phép”, luật sư Mai Tiến Luật cho biết thêm. (Còn tiếp)

Ngày 22-1-2019, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2019/ NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Nghị định 06). Nghị định 06 đã quy định rõ danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm gồm nhóm I và nhóm II. Nhóm I là các loài động, thực vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Trong khi đó nhóm II là động, thực vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa, nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Đáng lưu ý, trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (được ban hành kèm theo Nghị định 06), lớp chim có nhồng (yểng), kim oanh tai bạc, kim oanh mỏ đỏ, khướu đầu đen má xám, các loài vẹt thuộc giống Psittacula, bộ cắt, bộ ưng… thuộc nhóm IIB. Đây là các loài chim thường được bán công khai tại các cơ sở chim cảnh và trên mạng xã hội.

Không những vậy, hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép các loài chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) cũng có thể bị xử phạt từ 1 - 1,5 triệu đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

 

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1337
Quay lên trên