Năm 2025, Bộ Công thương lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác từ phía doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, đồng thời kêu gọi trách nhiệm tham gia của người tiêu dùng trong việc xây dựng môi trường tiêu dùng văn minh, lành mạnh.
Minh bạch thông tin sản phẩm
Tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn hay hữu cơ có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và nhận thức của người tiêu dùng (NTD) về thực phẩm an toàn sức khỏe cũng có sự thay đổi tích cực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính không chỉ cần cung cấp sản phẩm tốt mà còn phải minh bạch thông tin về hàng hóa đầy đủ, trung thực. Tại Bình Dương, nhiều DN đã và đang chú trọng thực hiện các tiêu chí minh bạch thông tin, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Năm 2012, Công ty TNHH Thương mại sản xuất thực phẩm Phú Mỹ A (TP.Thủ Dầu Một) được thành lập. Sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã đầu tư xây dựng lại nhà xưởng và quản lý quy trình sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 vào hệ thống sản xuất, phân phối các sản phẩm truyền thống an toàn sức khỏe NTD như giò lụa tươi, nem chua, bánh cuốn… Công ty đã ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; nguồn nguyên liệu được tuyển chọn khắt khe, chỉ sử dụng thịt heo sạch VietGAP, lá chuối tươi hữu cơ, an toàn cho sức khỏe NTD. Nhờ đó, sản phẩm của công ty được nhiều NTD tin dùng.
Ông Vũ Minh Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất thực phẩm Phú Mỹ A, cho biết yếu tố giúp DN tạo dựng được niềm tin của khách hàng chính là sự minh bạch thông tin sản phẩm. Trên mỗi sản phẩm, công ty đều công bố thông tin rõ ràng, không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản, chất tạo giòn dai, hương liệu tổng hợp, không sử dụng túi nylon trong quá trình sản xuất. Công ty cũng niêm yết chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật... giúp NTD an tâm hơn khi sử dụng, đồng thời tạo sự kết nối chặt chẽ giữa DN và NTD.
Ngoài Công ty TNHH Thương mại sản xuất thực phẩm Phú Mỹ A, tại Bình Dương hiện có rất nhiều đơn vị, DN sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường có đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ chất lượng sản phẩm, niêm yết mã vạch, mã QR, có thể kể đến như trang trại Tám Thanh (huyện Bắc Tân Uyên), Hợp tác xã Dưa lưới Huỳnh Thanh Phong (huyện Bàu Bàng), Công ty TNHH TM-DV Yến Hiếu Hằng (huyện Phú Giáo), Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (TP.Thủ Dầu Một)…
Theo ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và tình trạng hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán nhiều nơi như hiện nay, sự minh bạch trong cung cấp thông tin sản phẩm không chỉ là nghĩa vụ mà còn là chiến lược giúp DN phát triển bền vững. Do đó, việc các DN chủ động công khai thông tin về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, áp dụng các công nghệ như mã vạch, mã QR để giúp NTD dễ dàng kiểm tra sản phẩm là giải pháp tối ưu nhằm tạo sự minh bạch đối với sản phẩm và niềm tin của NTD. Bên cạnh đó, các DN cũng cần bảo đảm chất lượng dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, tiếp nhận phản hồi và xử lý kịp thời khiếu nại của NTD.
Nâng cao nhận thức tiêu dùng
Ghi nhận cho thấy, bên cạnh những DN cung ứng nhiều sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã phong phú, được NTD tin tưởng, hiện nay vẫn còn không ít hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng bày bán trên thị trường.
Đại diện Sở Công thương cho biết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, DN và toàn xã hội. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Một trong những giải pháp trọng tâm đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Theo đó, các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đa dạng, dưới nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi và tích cực trong cộng đồng.
Tuy vậy, bảo vệ quyền lợi NTD là một hành trình dài. Để công tác này đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và NTD cũng rất quan trọng. Các DN cần nâng cao đạo đức kinh doanh, minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ, tôn trọng quyền lợi của NTD. Từ đó giúp DN xây dựng thương hiệu mạnh, uy tín và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, DN, bản thân NTD cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi trong hành vi tiêu dùng của mình nhằm thúc đẩy minh bạch hóa thông tin thị trường; khi mua sắm ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì, sử dụng các công cụ tra cứu mã vạch để xác minh sản phẩm. Bên cạnh đó, NTD cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách phản ánh những trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng với các cơ quan chức năng…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: Trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bám sát và xuất phát từ thực tiễn tiêu dùng. Trong đó, cơ quan chức năng, các địa phương cần có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người tiêu dùng khu vực nông thôn, vùng xa; thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để xây dựng mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng; phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đến người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cơ quan chức năng tiếp nhận và giải quyết nhanh các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. |
THANH HỒNG