Chung tay đẩy lùi tai nạn lao động

Cập nhật: 15-06-2021 | 09:01:26

Trong tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đến thăm, động viên, chia sẻ khó khăn với hàng trăm trường hợp bị tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh; phối hợp với người sử dụng lao động, các cấp chính quyền nỗ lực tuyên truyền nhằm kéo giảm TNLĐ trên địa bàn.


Bà Nguyễn Kim Loan (bìa trái), Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đến tặng quà, thăm hỏi, động viên anh Nguyễn Thanh Điền (Công ty TNHH Box-Pak) vượt qua bao khó khăn sau khi bị tai nạn lao động

Kịp thời động viên

Khi cùng các cấp công đoàn, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ phần nào khó khăn với những người không may bị TNLĐ, chúng tôi thực sự thấu hiểu sự nguy hiểm và khó lường của vấn đề TNLĐ. Dù hiện nay rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao các biện pháp bảo hộ cho người lao động (NLĐ), nhưng chỉ cần một bất cẩn nhỏ, TNLĐ lập tức xảy ra.

Nói về một lóng ngón tay út bị mất của mình, anh Lê Quang Nguyên, nhân viên kỹ thuật Công ty Yazaky (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát) chia sẻ: “Công ty thường xuyên nhắc nhở chúng tôi hết sức lưu ý và không chủ quan trước mọi tình huống khi làm việc. Tuy nhiên, hôm ấy tôi đang đứng máy thì không hiểu vì sao lại vô ý để ngón tay út của mình chạm vào hệ thống máy móc đang hoạt động, ngón tay bị cắt đứt ngay lập tức”.

Khi cùng lãnh đạo LĐLĐ đến thăm các trường hợp không may bị xảy ra TNLĐ vừa qua, chúng tôi thấy thật sự đau lòng. Trong đó, có người tuổi đời còn rất trẻ, có người là lao động chủ lực, chỗ dựa cho vợ con. Khi tai nạn xảy ra, bao tiền của tích góp bấy lâu đều dồn vào chạy chữa. Dù các cấp công đoàn, công ty nơi làm việc có trợ giúp, nhưng sự mất mát của bản thân là vô cùng to lớn.

Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Thanh Điền, công nhân Công ty TNHH Box-Pak (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore) bị mất đi đôi chân khi tuổi đời còn rất trẻ sau vụ TNLĐ với tỷ lệ thương tật lên đến 85%. Sau ngày xảy ra tai nạn, anh Điền hoang mang, không dám nghĩ đến tương lai của những ngày tháng về sau. Thế nhưng, bằng sự thăm hỏi, động viên của gia đình, người thân, bạn bè, anh dần trút bỏ mặc cảm, từng bước quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Từ một công nhân đứng máy sau khi bị tai nạn, anh đã quyết tâm học tập thêm kiến thức về thiết kế đồ họa để có thể làm việc tại bộ phận thiết kế của DN, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, phải nói rằng, không phải ai cũng có được ý chí, nghị lực và cả kiến thức như anh Điền. Rất nhiều người đã bỏ cuộc sau tai nạn, trở thành gánh nặng cho gia đình.

Trong những ngày qua, khi đến thăm hàng trăm trường hợp công nhân bị tai nạn lao động, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã gửi lời cảm ơn đến các DN đã có những quan tâm, sẻ chia trước những mất mát của NLĐ, bố trí công việc hợp lý để NLĐ tiếp tục có cơ hội làm việc, có thu nhập sau khi bị TNLĐ. Đồng thời, bà đề nghị các công đoàn cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại DN, giúp NLĐ tuân thủ các quy định về an toàn lao động; không lơ là, chủ quan nhằm giảm thiểu tối đa TNLĐ đáng tiếc xảy ra.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa

Trong những năm qua, việc tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ hàng năm đã có tác dụng làm chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, kiến thức và trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và NLĐ trong việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của NLĐ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN, cơ sở sản xuất quan tâm, tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện điều kiện lao động.

Tuy vậy, mỗi năm vẫn xảy ra hàng chục vụ TNLĐ. Qua các báo cáo tổng hợp, phân tích về TNLĐ chết người trong những năm qua cho thấy, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ là do chưa phát huy hết vai trò của ATVSLĐ; NLĐ không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 tiếp tục phối hợp với các ban ngành, DN đẩy mạnh công tác triển khai các văn bản mới hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ đến DN và NLĐ; đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ cho các DN, cơ sở, đặc biệt quan tâm tới các DN, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ; các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như xây dựng, khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xây dựng, hóa chất; khu vực kinh tế tư nhân, các khu chợ thương mại, sản xuất nông nghiệp...

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ, Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các DN có nhiều nguy cơ về TNLĐ, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp; góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy, nổ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, DN, NLĐ và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh”.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 37 vụ TNLĐ, làm chết 37 người, bị thương nặng 7 người. Bên cạnh đó, tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, làm bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 22,3 tỷ đồng.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=641
Quay lên trên