Chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy

Cập nhật: 18-02-2021 | 08:59:14

Thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ, quản lý đối tượng nghiện ma túy cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nguồn phát sinh tội phạm.


Tang vật liên quan một đường dây sản xuất ma túy tổng hợp bị công an bắt giữ

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền

Theo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các đường dây hoạt động mua bán, vận chuyển số lượng lớn ma túy từ các tỉnh phía Bắc về tỉnh Bình Dương để trung chuyển đến địa phương khác tiêu thụ.

Tình trạng mua bán ma túy nhỏ lẻ ở địa bàn giáp ranh có tính chất ít công khai hơn so với trước đây nhưng phương thức, thủ đoạn lại ngày càng tinh vi, đối tượng phạm tội luôn thủ sẵn hàng “nóng” để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Đáng lưu ý là tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp như Methamphetamine, Ketamine… ngày càng phổ biến và dần thay thế heroin, cần sa. Trong khi các loại ma túy tổng hợp có độc tính cao, dễ gây nghiện nhưng lại khó cai. Người nghiện có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 30 tuổi, từ đó kéo theo nhu cầu ma túy tăng dần hoặc cùng sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau để thỏa mãn cơn nghiện.

Việc sử dụng nhiều loại ma túy khiến người nghiện gặp ảo giác, gây nên tình trạng “ngáo đá” dẫn đến thực hiện các hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế trên cũng chính là nguyên nhân kéo theo số xã, phường, thị trấn “không có tệ nạn ma túy” ngày càng ít đi. Qua kiểm tra, phân loại, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 4 xã/91 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, giảm 3 địa phương so với năm 2016.

Từ năm 2017 đến tháng 6-2020, lực lượng công an đã phát hiện 2.025 vụ tội phạm về ma túy (tăng 62,39% so với giai đoạn liền kề), bắt xử lý 3.875 đối tượng (tăng 105,13%), qua đó khởi tố 1.670 vụ, 2.246 bị can, xử lý hành chính 307 vụ, 915 đối tượng, thu giữ 13kg ma túy các loại cùng nhiều tang vật liên quan. Riêng trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt xóa 736 vụ (tăng 7,28% so với năm 2019), xử lý 1.172 đối tượng, thu giữ nhiều ma túy.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ thị, chương trình mục tiêu của Trung ương về phòng, chống tội phạm ma túy. Đồng thời, UBND tỉnh còn ban hành các chỉ thị, trong đó xác định trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống ma túy. Bên cạnh công tác chỉ đạo, công tác tuyên truyền tác hại của ma túy đến đông đảo người dân, nhất là công nhân lao động cũng được cơ quan chức năng quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm hay. Theo đó, các ban ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền cụ thể; đồng thời đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Điển hình như Báo Bình Dương, từ năm 2016 đến năm 2020 đã đăng tải trên báo in và báo điện tử 297 bài, 139 tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm ma túy. Đài truyền thanh các địa phương đã thực hiện được gần 4.900 tin, bài về các hoạt động phòng, chống ma túy với tổng thời lượng hơn 1.200 giờ. Đối với công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp” bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia.

Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể còn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội. Điển hình như Công an tỉnh đã thành lập Facebook Công an tỉnh Bình Dương và Câu lạc bộ Phòng, chống ma túy tỉnh Bình Dương để chủ động trong việc thông tin tình hình an ninh trật tự (ANTT), các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy đến người dùng mạng xã hội. Các đơn vị chức năng còn sử dụng mạng xã hội Zalo để kết nối các thành viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, tiếp nhận, xử lý thông tin về ANTT.

Chủ động đẩy lùi tệ nạn ma túy

Với vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Công an tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy và tổ chức chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà số vụ án ma túy được phát hiện, triệt xóa qua từng năm tăng trên 10%, từ đó không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy và sản xuất chất ma túy trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện phục hồi và quản lý đối tượng sau cai nghiện được các ngành chức năng thực hiện hiệu quả. Ông Bùi Công Khải, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB & XH), cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 3.300 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tuy nhiên số người nghiện ngoài xã hội có thể lớn hơn nhiều và chủ yếu đến từ các địa phương khác. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người sau cai; đồng thời củng cố cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng phục vụ cai nghiện. Bên cạnh đó, Sở LĐTB & XH đã chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại đối tượng nghiện để quản lý có hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở cai nghiện ma túy còn phối hợp với công an địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm ANTT, không để xảy ra tình huống “vỡ trại”. Sở LĐTB & XH đã chỉ đạo và triển khai mô hình Điểm tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện ở xã An Tây (TX.Bến Cát) và phường An Thạnh (TP.Thuận An). Sau thời gian hoạt động, mô hình trên đã trở thành “điểm tựa” cho người sau cai nghiện, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống”.

Trong khi đó, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Sau thời gian thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 80% số người nghiện trên địa bàn có hồ sơ quản lý và được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện. Mỗi địa phương đều xây dựng được một mô hình điểm về phòng, chống ma túy. Các ban ngành, đoàn thể tích cực tham gia tuyên truyền về tác hại của ma túy bằng nhiều hình thức, hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”.

Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy diễn biến khá phức tạp, số vụ phát hiện hàng năm tăng trên 10%. Một trong những vấn đề đáng lưu ý nữa là tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tăng. Số người nghiện tăng một mặt do ngành công an tăng cường công tác rà soát, thống kê để quản lý; mặt khác do đối tượng nghiện từ các địa phương khác đến.

Tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến và dần thay thế ma t úy truyền thống (heroin, cần sa...). Đây là các loại ma túy có độc tính cao, dễ gây nghiện song lại khó cai. Người nghiện ngày càng tăng và trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 30 tuổi. Đối với người nghiện, nhu cầu sử dụng ma túy có chiều hướng tăng dần hoặc cùng sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau và luôn tìm kiếm các loại ma túy mới để thỏa mãn cơn nghiện, đặc biệt là ma túy “đá” có độ ảo giác cao nên họ dễ mất kiểm soát, gây nên tình trạng “ngáo đá”, từ đó thực hiện các hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Để có tiền sử dụng ma túy, họ sẵn sàng thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản hoặc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy...

 

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=797
Quay lên trên