Chung tay giải quyết vấn đề, thực hiện tốt chủ đề năm 2023 về người cao tuổi ở Việt Nam

Cập nhật: 01-10-2023 | 09:55:10

(BDO) Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT) lần đầu tiên được tổ chức trên thế giới vào ngày 1-10-1991, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các vấn đề liên quan đến NCT, như quá trình lão hóa, bệnh tật, đời sống vật chất, tinh thần và những đóng góp của họ cho gia đình, cộng đồng.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo NCT

Trước thực trạng già hóa dân số trên toàn cầu, tháng 10-1982, Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Đại hội (ĐH) thế giới về Lão khoa lần đầu tiên, tại Viên (Áo), với hơn 3.000 đại biểu tham dự. ĐH đã thông qua chương trình hành động quốc tế về NCT; khuyến nghị Chính phủ (CP) và nhân dân các nước căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, quan tâm giải quyết những vấn đề về NCT, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Sức khỏe và ăn uống; nhà ở và môi trường; gia đình; dịch vụ và bảo trợ xã hội; việc làm; nâng cao sự hiểu biết của NCT về cuộc sống.

Ngày 14-12-1990, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1-10 hàng năm làm Ngày Quốc tế NCT, viết tắt theo tiếng Anh là IDOP.

 Hội Người cao tuổi TP.Dĩ An ra quân dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường. Ảnh: Quang Tám

Việt Nam từ xa xưa vốn có truyền thống trọng chữ hiếu, tôn vinh công đức của người già, nên NCT rất được quan tâm và kính trọng. Năm 1941, sau khi về nước, Bác Hồ đã chỉ rõ, cách mạng muốn thắng lợi cần phải đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, trong đó phát huy vai trò của các bậc phụ lão là rất quan trọng.

Trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (6-1941), Bác viết: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng; đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo… Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Trên thực tế, bao lớp NCT nước ta đã có những đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện Nghị quyết của LHQ về NCT, ngày 24-9-1994, Thủ tướng CP ra Quyết định thành lập Hội NCT Việt Nam và ĐH thành lập Hội NCT Việt Nam đã diễn ra vào ngày 9 và 10-5-1995. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội NCT cơ sở, với gần 10 triệu hội viên, khoảng 82% số NCT trên toàn quốc. Ngày 25-4-2015, Thủ tướng CP ra Quyết định số 544/QĐ-TTg, lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”. Từ đó, tháng 10 hàng năm trên tất cả các địa phương, các ban, ngành và toàn xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực triển khai tháng hành động vì NCT và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong dịp này, Hội NCT sẽ tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng những NCT có đóng góp to lớn cho phong trào và xã hội; thăm hỏi, tặng quà những cụ đau ốm, khó khăn, không nơi nương tựa, giúp các cụ sống vui, khỏe, có ích, làm gương cho lớp trẻ. Ngày 13-1-2022, khi gặp đại biểu dự ĐH VI Hội NCT Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “NCT nước ta thực sự là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội”.

Giải quyết các vấn đề, thực hiện tốt chủ đề năm 2023

Chủ đề Ngày Quốc tế NCT năm 2023 được LHQ nêu ra là “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để NCT sống vui, khỏe, có ích” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT, không xem họ là gánh nặng; xóa bỏ những định kiến khi đưa NCT vào nhà dưỡng lão.

 Các hoạt động khám bệnh miễn phí thường xuyên được Hội Người cao tuổi các cấp tỉnh Bình Dương tổ chức. Ảnh: Quang Tám

Vậy Việt Nam cần làm gì để thực hiện tốt chủ đề về NCT của năm 2023? Xin khái quát ba vấn đề và các giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ người già tăng nhanh. Theo điều tra dân số, người trên 60 tuổi ở Việt Nam đang tăng nhanh, giai đoạn 2009-2022 số NCT tăng từ 7,67 triệu người lên 12 triệu người (12% dân số), dự báo năm 2030 sẽ lên 18 triệu người (17,5% dân số). Việt Nam chỉ mất khoảng 26 năm để chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. NCT gia tăng sẽ là gánh nặng phụ thuộc đối với người lao động.

Năm 2014, cứ 100 người trong độ tuổi lao động tương ứng có 15 NCT; đến 2050 ứng với 100 người trong độ tuổi lao động, có tới 43 NCT. Nếu năng suất lao động không tăng nhanh hơn, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong tích lũy, đầu tư, khó bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Về giải pháp, cùng với việc Nhà nước đầu tư các nguồn lực để nâng cao năng suất lao động xã hội, việc tạo điều kiện cho NCT tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế là một đòi hỏi vừa cấp bách vừa lâu dài. Hiện nay, nhiều NCT vẫn còn sức khỏe, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp và có nhu cầu được lao động.

Dù ở nước ta tỷ lệ NCT hoạt động kinh tế tăng đều hàng năm và hiện đã đạt hơn 40% trên tổng số NCT, song vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực và còn nhiều NCT chưa có việc làm. Vì vậy, cùng với chính sách nâng cao tuổi nghỉ hưu, nhất là với những người có trình độ chuyên môn - kỹ thuật cao, thì cần khuyến khích các tổ chức, đặc biệt là khối tư nhân tăng cường sử dụng lao động là NCT; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, cải thiện điều kiện làm việc cho phù hợp với NCT; thành lập các trung tâm thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho NCT.

Thứ hai, vấn đề thu nhập và bảo đảm cuộc sống. Theo Tổng cục Dân số, ở nước ta số NCT không có lương hưu hoặc trợ cấp, phải sống phụ thuộc vào con cái là 75%. Vì hiện có 66% NCT là nông dân, ở nông thôn và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định hiện chưa có chính sách hưu trí nông dân.

Tổ chức Lao động quốc tế dự báo năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu NCT không có lương hưu. Theo khảo sát nguồn thu nhập ở người già Việt Nam của Quỹ dân số LHQ, trong tổng số NCT nước ta chỉ có 15% đang hưởng lương hưu và 10% nhận trợ cấp xã hội, 29% tiếp tục làm việc; còn lại phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 45% (khá tương đồng với công bố của Tổng cục Dân số).

Về giải pháp, để bảo đảm an sinh cho NCT cần tăng cường triển khai bảo hiểm xã hội, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện, ở toàn thể người lao động. Đây là một trong những biện pháp tích cực “chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ”.

Nước ta đang sửa luật bảo hiểm, cùng với việc hạ số năm đóng tối thiểu để nhận lương hưu xuống còn 15 năm, cần cho phép kéo dài thời gian đóng hoặc đóng bù một lần để đủ điều kiện hưởng lương hưu; khuyến khích đóng nhiều năm hơn để có lương hưu cao hơn; hạ tuổi hưởng hưu trí xã hội xuống còn 75 tuổi. Khuyến khích và tạo điều kiện để NCT còn khả năng tham gia thị trường lao động để gia tăng thu nhập, bổ sung quỹ an hưởng tuổi già và chi phí cho các nhu cầu khác khi hoàn toàn nghỉ lao động.

Thứ ba, chăm sóc sức khỏe vừa là nhu cầu, vừa là thách thức lớn đối với NCT. Theo điều tra gần nhất, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam khá cao (trên 73,3 tuổi) nhưng tuổi sống khỏe mạnh của NCT thấp (64 tuổi). Đặc biệt có tới 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu; trong đó phụ nữ có tới trung bình 11 năm sống với bệnh tật, còn nam giới khoảng 8 năm. Nhiều NCT Việt Nam lâm vào tình trạng “bệnh tật kép”, bình quân mỗi người già có ba bệnh hoặc nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, dẫn tới nhu cầu điều trị rất lớn, trong khi hệ thống chăm sóc y tế chưa đáp ứng kịp. Tình trạng này cũng làm tăng chi tiêu y tế, chi phí điều trị mỗi năm dành cho NCT thường cao gấp 8 - 10 lần người trẻ.

Về giải pháp, tăng cường và hoàn thiện hệ thống y tế, nhất là chuyên ngành lão khoa, bảo đảm khám chữa kịp thời, có hiệu quả cho NCT. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các kiến thức phòng tránh bệnh, nhất là những bệnh chuyển hóa, không lây nhiễm, chủ yếu do lão hóa và lối sống gây ra. Tổ chức nhiều câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, văn hóa nghệ thuật, thu hút nhiều NCT sinh hoạt, tập luyện, giao lưu để tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần. Nâng cao ý thức đạo đức và pháp luật cho giới trẻ trong các gia đình về trách nhiệm yêu thương, chăm lo, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

Nhà nước và xã hội nên quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng các trung tâm dưỡng lão tập trung, với trang thiết bị phù hợp, nhân viên thạo việc, tận tâm; đặc biệt tìm nguồn hỗ trợ để cung ứng các dịch vụ tốt, nhưng giá cả phù hợp khả năng chi trả của đa số NCT có nhu cầu.

“Sinh, lão, bệnh, tử” vốn là quy luật tự nhiên của đời người, ai cũng phải đối mặt. NCT đã trải qua nhiều năm tháng lao động, cống hiến cho gia đình và xã hội; khi về già họ có quyền được phụng dưỡng, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Chăm lo tốt cho NCT không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là giá trị đạo đức, nhân văn cao cả của một xã hội tiến bộ. Mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội cần trau dồi các giá trị đó, bằng những hành động thiết thực nhất để chăm lo cho những NCT một đời sống vật chất, tinh thần thật sự phù hợp, thoải mái, hạnh phúc. Tạo cho NCT luôn tự tin sống vui, khỏe, mà không mặc cảm bị lãng quên, tự tivì trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

PHÓ GIÁO SƯ - TIẾN SĨ BÙI TRUNG HƯNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=842
Quay lên trên