Chung tay giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 26-06-2021 | 08:44:35

Sáng 25-6, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi và tặng quà tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh và các mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng chống ma túy (26- 6), thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng, chống ma túy và giúp đỡ người cai nghiện.

Địa chỉ tin cậy cho người cai nghiện ma túy

Cầm trên tay phần quà, em Võ Thị Tuyết T. (sinh năm 1996, ngụ Bình Dương), nhớ lại: “Cách đây 4 năm, em nghe bạn bè lôi kéo “đập đá” một lần cho biết rồi đi vào con đường nghiện ngập, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai học tập của em mà còn làm gia đình thất vọng. Từ khi được gia đình đưa vào cơ sở để cai nghiện, em nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, giáo viên, qua đó giúp em hiểu được tác hại của ma túy và quyết tâm từ bỏ. Qua đây, em cũng nhắn nhủ đến các bạn cùng trang lứa nên có lối sống lành mạnh và hãy tránh xa ma túy”.

Đại diện đoàn công tác UBND tỉnh tặng quà hỗ trợ cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện tỉnh

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý 477 học viên, trong đó có nhiều học viên cai nghiện tự nguyện và trên 10% học viên tái nghiện 2 lần trở lên. Theo ông Nguyễn Phúc Ánh, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc học viên tái nghiện, trong đó phần lớn người nghiện có trình độ học vấn thấp, nhận thức còn hạn chế, không có việc làm ổn định, sống phụ thuộc vào gia đình. Sau khi cai nghiện trở về họ vẫn còn mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người, nhất là còn khó khăn trong việc làm, từ đó nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo dùng ma túy trở lại. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn có tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử với các đối tượng này… làm cho công tác cai nghiện và giảm tỷ lệ tái nghiện gặp rất nhiều khó khăn.

Trong cơ sở hiện có khoảng 75% học viên từ địa phương khác đến. Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, học viên không trở về nơi cư trú dẫn đến công tác quản lý, theo dõi sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn. “Được sự quan tâm của UBND tỉnh và các sở, ban ngành, cơ sở đã làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, tư vấn tâm lý… cho đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Cơ sở còn chú trọng phân theo nhóm, loại ma túy sử dụng, hồ sơ bệnh án, quá trình chấp hành pháp luật… để phân khu phù hợp nhằm bảo đảm công tác quản lý đạt hiệu quả, điều kiện học tập và sinh hoạt của học viên được bảo đảm. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức dạy nghề để tạo điều kiện cho học viên có công việc ổn định”, ông Ánh cho biết thêm.

Cộng đồng chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ  lực trong công tác cai nghiện, chống tái nghiện, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tránh phân biệt đối xử với người sau cai nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai nghiện được học nghề, giải quyết việc làm… Điển hình là tại xã An Tây (TX.Bến Cát), mô hình Điểm tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện ma túy đã trở thành “điểm tựa” cho người sau cai nghiện trên địa bàn có việc làm, ổn định cuộc sống.

Theo ông Trần Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, trong những năm qua điểm này luôn duy trì hoạt động, phối hợp tổ chức sinh hoạt, tư vấn cho người nghiện ma túy và sau cai nghiện trên địa bàn xã. Đến nay, điểm đã tổ chức sinh hoạt được 25 cuộc, với 102 lượt người tham dự; tiếp cận, vận động được 11 lượt người nghiện ma túy đăng ký tham gia cai nghiện tại nhà; tư vấn, hỗ trợ cho 46 lượt người nghiện và gia đình họ điều trị nghiện ma túy tại xã. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện, giới thiệu việc làm cho một số người sau cai để họ có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.

Ngoài việc tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, Ban Chủ nhiệm điểm còn giúp những người sau cai nghiện tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế nhằm giảm tỷ lệ người tái nghiện trên địa bàn và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Hoạt động của điểm thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy và sau cai tái hòa nhập cộng đồng.

 Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện, chống tái nghiện nói riêng được UBND tỉnh và các ngành chức năng quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, việc thành lập và duy trì hoạt động các điểm hỗ trợ, tư vấn người cai nghiện ma túy đang góp phần giúp người sau cai nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng, nhất là không để họ trở về con đường cũ. Để mô hình này trở thành “điểm tựa” cho người nghiện ma túy, Ban Chủ nhiệm cần phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để kịp thời giúp đỡ.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, công tác cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện cần sự chung tay của toàn xã hội và đặc biệt là ý chí quyết tâm của người cai nghiện. Bản thân họ phải thoát khỏi mặc cảm lầm lỗi, từ bỏ tệ nạn ma túy mới mong trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội”.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=942
Quay lên trên