Khi biết con mình bị khiếm thính (nghe kém) bẩm sinh, nhiều cha mẹ đã đau lòng và khổ sở. Để giúp các em vượt qua khiếm khuyết, mặc cảm, gia đình, cộng đồng và các thầy, cô giáo cần yêu thương, đồng cảm và chia sẻ. Chính những tấm lòng cao cả ấy đã nâng bước chân các em trên con đường hòa nhập cộng đồng.
Một tiết dạy cho học sinh thiểu năng ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm, TP.Thuận An
Giáo dục chuyên biệt
Chị Nguyễn Thị Tú ở TP.Thuận An, mẹ bé Vương Quang Lâm (8 tuổi) bị điếc bẩm sinh, cho biết khi Lâm được 1 năm tuổi, gia đình đã phát hiện Lâm bị điếc bẩm sinh. Từ đó, gia đình đã không ngừng tìm kiếm các phương pháp để giúp con hòa nhập cộng đồng. Vì thương và lo cho con nên gia đình bao bọc con rất nhiều dẫn đến Lâm không biết tự lập. Mỗi khi muốn, Lâm sẽ chỉ trỏ hoặc giận dữ khóc vì cha mẹ không thể giao tiếp với con. Qua việc học ngôn ngữ ký hiệu, Lâm dần dần có thể nhận thức, giải tỏa được nhu cầu của bản thân.
Thực tế đã chứng minh, ngôn ngữ ký hiệu đã tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho người khiếm thính. Khi không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường, người khiếm thính có thể thực hiện chức năng nghe, nói, cảm nhận bằng mắt qua ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) để tìm hiểu quy trình học tập của học sinh nơi đây. Các lớp học ở đây vô cùng yên ắng, không có tiếng ê, a đọc chữ như những lớp học bình thường khác bởi các em là những học sinh khiếm thính. Các em tập trung quan sát, theo dõi động tác tay của giáo viên và làm theo từng bước.
Để các em được học chữ, các thầy cô giáo đã dùng ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải kiến thức cho học trò của mình. Dạy các em học sinh bình thường đã khó, dạy các em khiếm thính còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, các giáo viên ngoài sự kiên trì, còn có tấm lòng cao cả, tình yêu thương, sự thông cảm đối với các em. Với mong ước để những trẻ khiếm thính có thể sớm hòa nhập cộng đồng, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm vẫn miệt mài tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đưa những phương pháp giảng dạy mới nhằm cải thiện kỹ năng nghe, hiểu của các em.
Đến với lớp học, các em không chỉ được học văn hóa mà còn được các cô giáo tận tình chỉ dạy làm việc nhà để có thể phụ giúp gia đình. Thời gian rảnh các em còn được học làm đồ thủ công mỹ nghệ, học đàn, học nhảy. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tình thương dành cho học sinh khiếm thính, trung tâm vẫn đang nỗ lực dìu dắt các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Phát hiện, hỗ trợ sớm
Khiếm thính là hiện tượng giảm một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh. Trẻ bị khiếm thính nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gặp khó khăn khi giao tiếp và thực hành các kỹ năng xã hội, nguy hiểm hơn trẻ có thể bị câm, điếc suốt đời. Để hòa nhập cộng đồng, trẻ khiếm thính phải có một vốn ngôn ngữ nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng là trẻ phải được phát hiện bệnh sớm để can thiệp kịp thời. Vì vậy, các phụ huynh nên cho con đến những trung tâm, môi trường giáo dục chuyên biệt. Giáo viên sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp đối với từng mức độ bệnh của trẻ cũng như giúp cha mẹ có những phương pháp giáo dục. Khi được can thiệp sớm, trẻ sẽ có được kết quả tốt nhất.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.000 người bị khuyết tật, trong đó có trên 3.000 người khiếm thính và gần 2.000 người bị thiểu năng ngôn ngữ. Mất thính lực gây ra các tác hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giáo dục và việc làm, làm giảm chất lượng cuộc sống. Phân tích về đặc điểm trẻ bị khiếm thính, cô Bồ Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm (TP.Thuận An), cho biết: “Giống như những dạng khuyết tật khác ở trẻ em, trẻ bị khiếm thính rất nhạy cảm, tiếp xúc với các cháu cần phải có sự kiên nhẫn và yêu thương. Vì vậy, chúng tôi không những chỉ giúp các cháu học ngôn ngữ mà còn chú trọng tất cả các mặt phát triển khác của trẻ về thể chất, tinh thần, trí tuệ và kỹ năng giao tiếp xã hội. Nếu thực hành từng bước một, tùy theo khả năng của mỗi trẻ, các cháu có thể hòa nhập xã hội một cách thuận lợi”.
Được biết, hiện Bình Dương đang tích cực thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật, trong đó có hoạt động trợ giúp người câm điếc. Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật, như: Đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề, tạo điều kiện cho người khuyết tật phát huy khả năng, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người khuyết tật mua sắm thiết bị, dụng cụ hành nghề sau khi học nghề. Ngoài ra, người khuyết tật cũng được ưu tiên tư vấn học nghề và việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng lao động”.
KIM HÀ