Chung tay hành động bảo vệ sức khỏe và tính mạng trẻ em - Kỳ 3

Cập nhật: 06-07-2020 | 08:05:46

Kỳ 3: Ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành

 Thời gian gần đây, xâm hại (XH), bạo hành (BH) trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối, được xã hội đặc biệt quan tâm. Để chủ động phòng tránh XH, BH trẻ em, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, công tác này cần sự chung tay giúp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

 Các em học sinh tham gia vẽ tranh phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

 Gia tăng tình trạng trẻ bị bạo hành

Trong những năm gần đây, trẻ em bị XH, BH có diễn biến phức tạp. Đối tượng XH, BH trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng XH trẻ em được phát hiện ở 5 địa phương với 8 vụ, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng mỗi huyện xảy ra 2 vụ, TP.Thủ Dầu Một và huyện Phú Giáo, mỗi địa phương xảy ra 1 vụ. Đáng chú ý đây là 8 vụ việc mà gia đình thừa nhận và trình báo với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, còn có những vụ được phát hiện nhưng cha mẹ của trẻ em không thừa nhận và từ chối thực hiện việc tố cáo đối tượng thực hiện hành vi XH, BH. Riêng trong tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ; trong đó có 1 vụ trẻ em nghi chết do đuối nước tại phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, 1 vụ trẻ bị BH ở huyện Phú Giáo và 1 vụ trẻ bị bỏng do bom xăng tại TP.Thuận An. Hầu hết các vụ XH, BH diễn ra với con em người lao động trong các khu nhà trọ.

Các vụ đều có điểm chung là đối tượng lợi dụng sự thân quen để thực hiện hành vi XH, BH cả về thể xác lẫn tinh thần với trẻ. Đáng chú ý là vụ việc tại huyện Phú Giáo. Bà Nguyễn Thị L. là mẹ kế của em N.V.T. chỉ vì tức giận T. không chịu ngủ nên đã tát vào mặt T. nhiều cái. Chưa hết, bà L. còn dùng chân đạp vào bụng bên sườn, lôi T. ra khỏi nền nhà trước sự chứng kiến của cha ruột T. Tại cơ quan công an, bà L. đã thừa nhận hành vi đánh T., bà L. đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thuộc nhóm đối tượng người tâm thần nặng. Cha của T. dù chứng kiến nhưng không có yêu cầu đối với cơ quan công an để xử lý. Hiện địa phương đã đưa T. đi kiểm tra sức khỏe, chưa có kết quả và đã bàn giao T. cho thím dâu tạm thời nuôi dưỡng. Tuy nhiên, từ sự việc vừa nêu trên cho thấy một sự thật là trẻ em đang mất an toàn ngay trong chính môi trường mà các em yêu thương, tin cậy nhất.

Hay vụ ném bom xăng tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An. Do mâu thuẫn, ông Nguyễn Văn T., quê Đồng Tháp, tạm trú tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An đã đến ki ốt của bà Nguyễn Thị Thanh H. và anh Nguyễn Tuấn P. tại khu phố Bình Thuận 2 ném 3 chai bia có chứa chất gây cháy bên trong (bom xăng). Hành vi ném xăng của ông T. làm em N.T.Đ. bị bỏng vùng tay trái, ngực, bụng, bẹn, chân trái và lan xuống bộ phận sinh dục, hiện em đang điều trị tại Phòng khám đa khoa Medic Miền Đông. Riêng em N.T.C. bị bỏng nặng và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.Hồ Chí Minh. Trước vụ việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.Thuận An và UBND phường Thuận Giao đã trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình 11 triệu đồng, hướng dẫn gia đình em Đ., T. làm hồ sơ đề nghị Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh xem xét, hỗ trợ thêm. Công an phường Thuận Giao đã chuyển hồ sơ về Đội Cảnh sát điều tra trật tự xã hội Công an TP.Thuận An để thụ lý, điều tra, làm rõ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của XH, BH. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ XH, BH xảy ra nhưng không được xử lý kịp thời là do gia đình thường rất lúng túng trong việc thực hiện tố giác. Phần lớn trẻ em bị XH, BH và gia đình các em đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ, nên không dám tố cáo mà cố gắng che giấu. Công tác tuyên truyền pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn hạn chế, chưa đến được từng người lao động, nhất là lao động tự do khiến các vụ XH, BH trẻ em vẫn còn diễn ra trong đối tượng này”.

“Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần. Trẻ em trong tỉnh không chỉ được hưởng những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, các quyền được quy định trong Luật Trẻ em mà còn được chăm lo, vui chơi, được thể hiện quyền trẻ em qua các chương trình, mục tiêu của địa phương về công tác trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp từ huyện, thị, thành phố đến các xã, phường, thị trấn còn kiêm nhiệm nên gặp không ít khó khăn trong công tác theo dõi tình hình trẻ em. Trong khi đó, một bộ phận gia đình người lao động tự do chưa rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chưa tạo điều kiện đúng mức cho trẻ tham gia các hoạt động bảo đảm quyền trẻ em; thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ con em trước những tai nạn thương tích, xâm hại, bạo hành”.

(Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội)

Trang bị kỹ năng phòng, chống bạo hành

Trước tình trạng trẻ em bị XH, BH nhiều gia đình đã tự trang bị các kiến thức cũng như dạy các em một số kỹ năng cơ bản để phòng chống. Tuy nhiên, cách giáo dục này chỉ dừng lại ở mức giúp các em tiếp cận vấn đề mà chưa đi sâu về kỹ năng bảo vệ, phát hiện người xấu, người tốt.

Để chủ động phòng tránh XH, BH trẻ, các ngành đoàn thể trong tỉnh đã chung tay, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Thầy Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo, cho biết: “Hiện tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện đều đã thành lập ít nhất một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Nội dung tư vấn rất đa dạng, gắn với tuyên truyền đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng chống XH, BH”.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Thuận An: “Để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị XH, TP.Thuận An đã thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em cấp xã và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở khu dân cư. Nhiệm vụ các thành viên quản lý, theo dõi nhóm trẻ em có nguy cơ bị XH, BH từ đó có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời”. Tuy nhiên việc phòng chống XH, BH trẻ rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian trò chuyện, tâm sự, làm bạn với con cái, tạo cho các con điểm tựa vững chắc về tinh thần. Khi phát hiện con em mình có những dấu hiệu, biểu hiện bị XH, BH thì cha mẹ phải kịp thời lên tiếng, báo với cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết. (Còn tiếp)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=561
Quay lên trên