Chung tay phòng, chống bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 22-11-2022 | 08:53:05

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm, lây lan từ người sang người và có nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vài giờ. Do đó, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc và biến chứng nặng ở trẻ.

 

Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 Gây biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ CK1 Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và mông. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh TCM có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, qua đó có thể đưa trẻ điều trị kịp thời; không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Đây là bệnh dễ lây nhiễm và lưu hành rải rác quanh năm. Bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn và thức uống có mầm bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch mũi họng, dịch bóng nước bị vỡ của trẻ bệnh hoặc lây qua tiếp xúc với đồ chơi, bàn, ghế nhiễm vi rút. Những biểu hiện đầu tiên của trẻ mắc bệnh TCM, bao gồm: Sốt từ 38 - 39 độ C, mệt mỏi, đau cổ họng giống như bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết rõ nhất là sau khi sốt 1 - 2 ngày, trẻ sẽ bị nổi ban hồng và mụn nước trên da vùng quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, bàn chân, có thể lan rộng hơn ở mông và xung quanh hậu môn. Khi thấy các dấu hiệu nêu trên, gia đình phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn và điều trị.

Bác sĩ CK1 Quách Hoàng Mỹ cũng lưu ý thêm, bệnh TCM xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho vi rút gây bệnh phát triển. Trẻ mắc TCM thường có các biểu hiện, như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện. Đặc biệt, các gia đình khi có con mắc TCM cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khỏe của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đây cũng là một biện pháp cần thiết để phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất

Trong trường hợp trẻ ở nhà bị TCM thì phụ huynh cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh bề mặt các đồ chơi và vật dụng, rửa sạch và chú ý xem vi rút bệnh TCM tồn tại ở đâu. Vi rút có thể tồn tại trong miệng của trẻ do trẻ có thói quen ngậm đồ chơi trong miệng và tay vung vãi lung tung hoặc trẻ ngậm đồ chơi rồi bỏ ra, trẻ khác lại ngậm lại... Các phụ huynh cần chú ý vệ sinh những vật dụng có thể lây bệnh TCM. Đặc biệt, cần rửa tay cho trẻ trước khi vào lớp và trước khi về nhà để tránh cho trẻ bị bệnh TCM.

Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình. Theo bác sĩ CK1 Quách Hoàng Mỹ, cha mẹ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số trẻ không sốt cao nhưng nếu bé bị đau miệng do loét họng nhiều thì cũng có thể sử dụng thuốc paracetamol để giảm đau miệng. Tại nhà, các bậc phụ huynh nên lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc TCM nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, không cho trẻ ăn thức ăn chua, nóng hay cay. Nếu cần, có thể xay nhuyễn thức ăn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến vệ sinh răng miệng cho trẻ vì những trẻ bị TCM rất ngại đánh răng và dễ ứ đọng nước miếng do trẻ bị đau miệng, không dám nuốt. Nếu cha mẹ không giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng, đặc biệt là viêm nướu răng, làm cho thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ trẻ bị sụt cân. Đối với vấn đề chăm sóc da, cha mẹ phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ, để trẻ ăn mặc thoáng mát, không ủ trẻ quá kín, tránh bôi hoặc đắp các loại lá cây hay thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng mà phụ huynh cần lưu ý: Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh (chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không); quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

 HOÀNG LINH - GIANG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên