Chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Cập nhật: 06-06-2022 | 09:12:08

 Mùa hè đang đến rất gần, tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi lo của các ngành, các cấp và các bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh. Để phòng tránh những tai nạn không đáng có này, thời gian qua Bình Dương luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập bơi lội cho học sinh (HS).

 Phòng, chống đuối nước cần sự quan tâm của toàn xã hội. Trong ảnh: Trẻ em tắm hồ bơi để rèn luyện sức khỏe và kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước

 Tăng cường dạy bơi trong học đường

Có dịp quan sát các lớp học bơi cho HS tại Công viên Thủ Dầu Một, chúng tôi thấy ngay buổi đầu học bơi, các em HS được các huấn luyện viên hướng dẫn làm quen với nước, thở nước và các động tác cơ bản khác theo giáo trình của Sở Giáo dục - Đào tạo. Mỗi khóa học là 12 buổi, nhưng chỉ qua vài buổi học, HS đã nắm được kỹ thuật bơi và xử lý tình huống khi có sự cố.

Không riêng TP.Thủ Dầu Một, các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh cũng phối hợp với tất cả các hồ bơi tư nhân tổ chức dạy bơi cho HS. Bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết: “Việc phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ trong dịp hè được coi là vấn đề cấp bách, cần sự quan tâm của toàn xã hội và cần được triển khai với sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở con trẻ về ý thức phòng, chống đuối nước. Hơn lúc nào hết chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em”.

 Hiện nay, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát đã có 100% HS TH, THCS được phổ cập bơi lội. Thống kê trong các đợt phổ cập bơi dịp hè cho thấy, toàn tỉnh đã tổ chức cho hàng ngàn em HS tham gia.

Hiện nay, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát đã có 100% HS TH, THCS được phổ cập bơi lội. Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thời gian qua Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh chủ động phối hợp tích cực với các đơn vị trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, triển khai sâu rộng các nhiệm vụ và đã đạt được kết quả khả quan, tích cực. Chương trình quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích tại địa phương đã được trung tâm xây dựng. Nhờ đó, người dân và các cấp chính quyền địa phương được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Năng lực cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước khi nhập viện do tai nạn thương tích tại nhiều địa phương được nâng cao.

Hiện nay, huyện Dầu Tiếng là địa bàn có nhiều hồ suối và đập nước. Thời gian qua, các ngành, đoàn thể, các địa phương của huyện này đã tích cực tuyên truyền người dân, nhắc nhở phụ huynh HS nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước, quan tâm để ý con trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn rất nhiều phụ huynh lơ là, không quan tâm, không chủ động giám sát các hoạt động vui chơi của trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ.

Chung tay phòng, chống đuối nước

Thống kê trong các đợt phổ cập bơi dịp hè cho thấy, toàn tỉnh đã tổ chức cho hàng ngàn em HS tham gia. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành tiếp tục tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại tất cả các huyện, thị, thành phố. Trên thực tế, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi.

Bà Phan Kim Sương, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh cho rằng gia đình, nhà trường và chính quyền là những nhân tố quan trọng tạo môi trường an toàn cho trẻ. Cha mẹ cần thường xuyên giám sát, chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ kiến thức phòng, chống đuối nước, tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe, ứng phó với đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp khi tiếp xúc với nước.

Đối với mỗi cơ sở giáo dục, một trong những việc cần tập trung là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước HS các trường phổ thông; linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho HS những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng xử; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn, cán bộ phụ trách công tác Đoàn - Đội trong việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống…

Đặc biệt, ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho HS, trẻ em, nhất là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, HS biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước; có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, nhất là tại những vùng nông thôn, vùng núi, nơi nhiều mặt nước… để giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước.

 HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên