Chúng tôi nói về chúng tôi

Cập nhật: 21-06-2013 | 00:00:00

  Báo chí Bình Dương đã trải qua thời kỳ hình thành và phát triển rất dài; ở thập niên 80, báo Sông Bé chỉ có 1 kỳ/tuần. Sau một thời gian mới phát triển 2 kỳ/tuần rồi 3 kỳ/tuần… Đến khi báo in phát triển thành nhật báo thì báo Sông Bé cũng trở thành tờ báo phát triển nhanh trong các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ngày trước, làm báo vất vả lắm, vì không có đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại như bây giờ, với báo hình muốn phát được phải gửi xuống Đài Phát thanh và Truyền hình TP.HCM thực hiện rồi chuyển ngược về Bình Dương. Phóng viên tác nghiệp cũng vất vả hơn, không có xe máy xịn, máy chụp ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay… như hiện nay.

Ngày nay, Bình Dương phát triển đủ các loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo tiếng, báo điện tử… đã cung cấp đầy đủ các thông tin cho khán, thính giả trong và ngoài tỉnh; lượng thông tin cũng nhanh hơn, hay hơn, các tác phẩm đi vào chiều sâu, đi vào đời sống văn hóa - xã hội của con người.

Lực lượng những người làm báo cũng có nhiều ưu điểm, lợi thế là trẻ, được đào tạo qua trường lớp bài bản, điều kiện tác nghiệp thuận lợi, dễ dàng hơn những người làm báo thế hệ trước. Nhưng thử thách đặt ra với nhà báo trẻ: Nếu không có cái tâm trong sáng, bản lĩnh vững vàng sẽ dễ bị lôi kéo, mua chuộc, lệch lạc trong tư tưởng. Vì vậy, tôi mong đội ngũ nhà báo trẻ phải giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị, không bị “bẻ cong ngòi bút” dù trong hoàn cảnh nào. Dù là xưa hay nay thì báo Đảng luôn là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Vì vậy, gắn bó với báo Đảng là gắn bó với Đảng và nhân dân.

 Chị Mai Thị Xuân, phóng viên Cổng thông tin điện tử Bình Dương: Phải làm việc bằng cái tâm chứ đừng vì lợi ích riêng tư

  Khi chưa làm phóng viên (P.V) tôi cứ cảm nhận một điều rằng nghề này không dành cho phái nữ bởi nó khá vất vả, đòi hỏi người P.V phải nhanh nhẹn, nhạy bén, nắm bắt thông tin kịp thời, dám đương đầu với thử thách trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Những ngày đầu khi mới vào nghề, chưa quen việc nên tôi cũng gặp khá nhiều vất vả. Nhưng vượt qua vất vả đó mới thấy yêu nghề, gắn bó với nghề hơn. Nghề P.V cho tôi rất nhiều điều thú vị, đó là được biết nhiều thông tin và chính là người chuyển tải những thông tin đó đến với bạn đọc. Là nữ P.V, có những hôm đi lấy tin về khuya, tôi sợ bị cướp giật trên đường, nhưng với lòng yêu nghề tôi sẽ vượt qua tất cả. Là P.V bạn phải đối đầu với rất nhiều mối hiểm nguy không lường trước. Vì vậy, nếu không yêu nghề thì thật khó bám trụ với nghề.

Theo tôi, nhà báo trẻ cần phải có sự năng động, có sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trên hết đó là đạo đức nhà báo, phải viết chân thực, khách quan, phản ánh đúng vấn đề… Tóm lại, là một nhà báo phải làm bằng cái tâm chứ đừng vì lợi ích riêng tư.

 Nhà báo Kiến Giang (Mai Thanh Phong), giải B Báo chí Quốc gia năm 2013: Ăn cùng, sống cùng với niềm vui và trăn trở của người dân

  Nghề báo là một trong những nghề đặc thù mà phóng viên là người phải chấp nhận dấn thân, có sự đam mê và không sợ nguy hiểm. Cá nhân tôi cảm thấy nghề báo rất thú vị vì mình được đi, được biết, được viết lên những nỗi niềm bức xúc trong xã hội và đôi khi của cá nhân mình mà nếu công tác ở lĩnh vực khác có thể tôi không thực hiện được. Trong công việc hiện tại, tôi quan niệm bản thân phải luôn cống hiến để trở thành nhịp cầu hai chiều đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với các cấp chính quyền. Đây chính là tôn chỉ mục đích của người làm báo cách mạng mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc đến.

Đối với một nhà báo, trong quá trình công tác cho đến lúc về hưu có thể viết được hàng trăm tác phẩm. Song, không phải tác phẩm nào cũng được đánh giá cao, chỉ đến khi gặp được cơ duyên nghề nghiệp và bản thân không ngừng nỗ lực thì những đề tài, tác phẩm đó có thể sáng lên như ngọc mài trong đá vậy. Niềm vui và sự trăn trở luôn “ăn cùng, sống cùng” với người cầm bút.

Đối với loạt bài ký sự điều tra “Kỷ vật từ lòng đất” vừa qua, tôi viết về nội dung một cuốn nhật ký của người nữ chiến sĩ mới 17 tuổi đã gác lại ước mơ, xung phong vào chiến trường và sau đó chị mãi mãi nằm xuống ở mảnh đất Chiến khu Đ anh hùng khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi. Nội dung nhật ký mà chị để lại là sự kết tinh những giá trị cao đẹp của thế hệ tuổi 20 xả thân cứu nước. Giá trị cao cả, lòng yêu nước nồng nàn của thế hệ thanh niên ưu tú thời đó vẫn còn sáng mãi cho đến bây giờ. Sau khi được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, Ban Tuyên giáo Bình Dương, Ban Biên tập Báo Bình Dương, tôi chỉ làm công việc chuyển tải lại những lý tưởng sáng ngời cách mạng, cố gắng làm sao tái hiện lại ngọn lửa đấu tranh của thế hệ cha ông thời trước mà thôi.   

 Chị Lâm Phương Diệu, phóng viên Phòng Thời sự Đài PT-TH Bình Dương: Người làm báo cần phải học tập gương Bác để rèn luyện đạo đức

  Tôi yêu thích công việc trong lĩnh vực báo chí từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình, tôi đã về tỉnh nhà để cống hiến. Công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương hơn 9 năm, công việc của một phóng viên thời sự phải luôn năng động trong mọi tình huống. Tuy có vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui và yêu thích công việc vì đã thỏa mãn được mong muốn mang thông tin đến người dân.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của nghề nghiệp, đòi hỏi bản thân tôi phải không ngừng trau dồi, biết lắng nghe khán thính giả, cầu thị đổi mới công việc, học tập công nghệ thông tin. Trong đó, người làm phóng viên, làm báo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức của bản thân theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

K.HÀ - K.TUYẾN - N.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=240
Quay lên trên