Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2%: Doanh nghiệp, ngân hàng mong muốn kéo dài thời gian

Cập nhật: 01-03-2024 | 08:38:27

Không chỉ có doanh nghiệp (DN), các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu, gia hạn nợ nhằm giải tỏa những khó khăn nội tại cho cả hai phía.

 Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều cần gia hạn thời gian thực hiện Thông tư 02. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV chi nhánh Bình Dương

 Khó tiếp cận

Sau 10 tháng triển khai thực hiện, việc tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% từ nguồn ngân sách vẫn khó khăn với DN. Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, chia sẻ các DN trong hiệp hội gần như không thể tiếp cận được. Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, DN rất vui mừng. Tuy nhiên, khi tiếp cận, đa số DN phải lắc đầu vì không đủ điều kiện đáp ứng.

“DN ngán ngại vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có DN còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay HTLS. DN rất mong ngân hàng có giải pháp tháo gỡ, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để DN có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất”, bà Phạm Thị Xuân Trang cho biết.

Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ thực tế cho thấy tín hiệu thị trường còn chậm, trong khi đó thời gian DN thụ hưởng chính sách không còn nhiều. DN ngành gỗ hiện vẫn đang đợi ngân hàng xem xét hồ sơ để giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay, đặc biệt là rất cần sự hỗ trợ kéo dài gói HTLS 2%.

Tương tự, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, cũng cho rằng để tăng dư nợ tín dụng phục vụ nền kinh tế rất cần kéo dài thêm thời gian cho vay HTLS để DN có kế hoạch đầu tư, mạnh dạn vay trong thời gian tới.

Sẽ gia hạn thời gian thực hiện?

Khách hàng và ngân hàng được ví như những người đi cùng con thuyền. Vì vậy, khó khăn của các DN cũng là khó khăn chung của toàn ngành ngân hàng. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết những khó khăn của thị trường đang ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30-6 tới đây nên khả năng nợ xấu sẽ tăng. Do đó, lãnh đạo BIDV cho rằng nếu không gia hạn Thông tư 02 sẽ gây khó khăn cho khách hàng và ngân hàng khi xu hướng nợ xấu tăng.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, cũng cho hay nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1-2024 ngang bằng với cuối năm 2023, với tỷ lệ 1,2%. Về cơ cấu nợ của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư 02, đến cuối tháng 1-2024 khoảng 6.000 tỷ đồng, hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, theo ông Thắng, để tạo điều kiện cho các DN có thời gian trả nợ, Techcombank cũng kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với Thông tư 02.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng kiến nghị, cần gia hạn Thông tư 02 thêm thời gian khoảng 12 tháng để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ. Bởi theo ông Vinh, việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng.

Một số ý kiến của lãnh đạo các ngân hàng cho rằng tình hình thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo về khó khăn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế để lấy điểm mốc gia hạn thời gian phù hợp, giúp DN, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, bền vững hơn.

Trước các kiến nghị trên, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho rằng sẽ xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng thêm 6 tháng hay 1 năm cần được xem xét kỹ. Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được bảo đảm. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các DN khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi. “Đến thời điểm này, nếu nền kinh tế vẫn cần, DN vẫn có khả năng phục hồi, ngân hàng sẽ đề xuất để tiếp tục duy trì Thông tư 02. Tuy nhiên phải bảo đảm nhìn nhận được thực chất các khoản nợ giãn, hoãn, tránh nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú nói.

 Thông tư 02 được NHNN ban hành vào cuối tháng 4-2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, có hiệu lực đến ngày 30-6-2024. Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, sau gần 8 tháng triển khai thực hiện Thông tư 02 (từ ngày 24-4 đến 30-11-2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=429
Quay lên trên