Chương trình kết nối giao thương: Mở rộng cơ hội kết nối

Cập nhật: 19-08-2022 | 09:12:30

Đầu tháng 8-2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại của các địa phương phía Nam tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại TP.Hồ Chí Minh. Các DN Bình Dương cũng được tạo điều kiện tham gia chương trình này.


Lãnh đạo Bộ Công thương tham quan các gian hàng Bình Dương tại chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các DN xuất khẩu

Tiếp cận thị trường lớn

Điểm nổi bật của chương trình là hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu các tỉnh, thành phía Nam với sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp, DN đến từ 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Đến với chương trình kết nối giao thương, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) mong muốn tạo điều kiện để các DN địa phương giới thiệu và kết nối các DN địa phương với các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó, các cơ quan đại diện nước ngoài nắm bắt thông tin về thị trường, sản phẩm hàng hóa của DN các tỉnh và kết nối với DN của họ khi có nhu cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức hội chợ không chỉ là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng chủ lực của các địa phương mà còn thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, giúp sản xuất lưu thông hàng hóa, giảm bớt khó khăn cho đầu ra sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đồng thời qua đây nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới.

Ngành công thương tỉnh Bình Dương xem đây là cơ hội để các DN giới thiệu và bán sản phẩm có chất lượng, quảng bá thương hiệu trực tiếp đến người tiêu dùng; trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm của đơn vị, DN của tỉnh; tăng cường hợp tác kinh tế các ngành của địa phương với các đối tác trong nước, thu thập thông tin định hướng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho rằng việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN Việt Nam, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân, đồng thời hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các DN chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế. Qua đó, các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.

Trên thực tế, khu vực phía Nam là thị trường cung ứng lớn của các cơ sở, DN. Thông qua hội nghị kết nối lần này góp phần giúp cho cơ sở tiếp cận thêm các thị trường mới ở khu vực Nam bộ nói riêng và hướng tới kết nối với các nhà bán lẻ, cung ứng lớn trong nước và xuất khẩu… Đại diện Công ty Dược phẩm Vũ Nhật Nam (TX.Tân Uyên) cho biết công ty chuyên cung ứng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Công ty là đơn vị tham gia rất nhiều các hoạt động kết nối giao thương với quy mô lớn cấp khu vực. Thông qua các gian trưng bày lần này, công ty tiếp tục giới thiệu sản phẩm, kết nối, quảng bá sản phẩm đến nhiều nhà cung cấp, khách hàng ở khu vực miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, DN xuất nhập khẩu…

Tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại thời gian qua. Nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng lên. “Các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giúp giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Đồng thời chương trình còn cung cấp thông tin, giải pháp giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.


Một góc trưng bày các gian hàng của tỉnh Bình Dương tại chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các DN xuất khẩu

Bên cạnh việc kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm với các địa phương ở khu vực phía Nam và cả nước, chương trình còn cung cấp thông tin, giải pháp giúp các địa phương, DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ông Đinh Thiệu, chủ cơ sở sản xuất sơn mài Đinh Thiệu, chia sẻ sau hơn 4 ngày tham gia kết nối, cơ sở đã chủ động hơn trong việc tham gia kết nối với khách hàng, tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm, các chương trình kết nối trực tuyến. Qua đó, thu thập được nhiều thông tin về các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tới các tỉnh, thành phía Nam, các thị trường xuất khẩu.

Trong khuôn khổ chương trình kết nối còn có hội nghị giao thương trực tuyến giữa các DN Việt Nam với các nhà mua hàng đến từ các quốc gia Chile, Malaysia, Australia… đã giới thiệu tiềm năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại thị trường châu Âu. Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, cho biết: Hội nghị là dịp để các DN nắm bắt đầy đủ hơn về nhu cầu của các nhà nhập khẩu, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các DN mong muốn Bộ Công thương, các nhà nhập khẩu, nhà thu mua chế biến xuất khẩu cũng như các vị tham tán thương mại tại các nước tiếp tục tích cực hỗ trợ  tỉnh xúc tiến kết nối tiêu thụ các sản phẩm”.

Theo đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, với DN sản xuất phải luôn chú trọng cập nhật thông tin thị trường, nâng cấp chất lượng hàng hóa, bao bì để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đón đầu thị trường sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ nói chung và Central Retail Việt Nam nói riêng. Central Retail tại Việt Nam cũng mong muốn sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ban ngành để kết nối cũng như hỗ trợ các DN của địa phương mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua hệ thống bán lẻ hiện đại của tập đoàn.

Ông Phạm Thanh Dũng cho biết thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương cho các DN, hợp tác xã của tỉnh, các sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực và trên cả nước, cũng như thúc đẩy, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu…

Liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, rộng hơn là toàn quốc thông qua Sở Công thương, các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, hệ thống thương vụ tiếp tục tổ chức cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ngoài việc mời DN xuất khẩu của Việt Nam giao thương ở nước ngoài, giới thiệu trực tiếp sản phẩm thì chúng ta cũng mời các đoàn mua hàng nước ngoài đến Việt Nam để tăng cường kết nối thông tin thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

TIỂU MY - TUẤN ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=516
Quay lên trên