Trong 3 ngày từ 3 đến 5-6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức đưa thiếu nhi Bình Dương có hoàn cảnh đặc biệt, chăm ngoan, học giỏi giao lưu với trẻ em (TE) tại Làng trẻ em SOS Lâm Đồng. Chuyến đi ý nghĩa đã giúp các em có nhiều trải nghiệm mới về vùng đất “ngàn hoa”, đồng thời học hỏi nhiều điều bổ ích trong cuộc sống để vững tin bước vào đời.
Thiếu nhi Bình Dương và thiếu nhi Làng trẻ SOS Lâm Đồng tham gia trò chơi và đốt lửa trại
Đối với những TE khó khăn, việc được đi học đã là khó chứ chưa nói đến chuyện tham gia các chuyến du lịch đến những mảnh đất mới. Thế nhưng, giấc mơ đó đã thành hiện thực đối với 63 em có hoàn cảnh đặc biệt ở Bình Dương. Em Lã Hoàng Quang Huy (16 tuổi) ở ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo sinh ra trong một gia đình không may. Ba mẹ ly dị từ khi em còn bé. Không hưởng trọn vẹn tình yêu thương của ba mẹ, nhưng Huy không nản chí mà cố gắng chăm ngoan, học tập tốt. Em đã làm cho mọi người xung quanh vui mừng với kết quả 10 năm liền là học sinh giỏi. Huy nói: “Em rất vui khi được các cô chú tạo điều kiện đến tham quan Đà Lạt và gặp gỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn như em. Qua những buổi giao lưu, em làm quen được nhiều bạn trong và ngoài tỉnh. Khi trở về, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm của xã hội dành cho mình”.
Theo lịch trình, sau khi đến Đà Lạt, các em được đi tham quan vòng quanh TP.Đà Lạt, vườn hoa Đà Lạt, tham quan công trình kiến trúc Làng đất sét…; giao lưu, sinh hoạt vui chơi với thiếu nhi tại Làng trẻ em SOS qua các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập heo đất, thi thời trang giấy, đốt lửa trại… Theo báo cáo của Ban giám đốc Làng trẻ em SOS, tính đến đầu năm 2014, Làng trẻ em SOS Lâm Đồng đã nuôi dưỡng 274 trẻ, trong đó, 113 thanh niên trưởng thành, hòa nhập cuộc sống. Trong số này có 69 thanh niên đã lập gia đình, có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Theo đánh giá, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông của trẻ đạt 95%. Sau khi tốt nghiệp phổ thông có 25% học tại các trường học, cao đẳng, số còn lại học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề. 90% thanh niên của làng đi làm có thu nhập và tự lập. Ngưỡng mộ trước thành tích học tập của các bạn sống, TE Bình Dương đã bộc lộ tâm sự: “Gặp các bạn, các em học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, giờ đây, em đã “gạt” đi những tư tưởng tự ti, mặc cảm để vui vẻ, hòa đồng với những người bạn mới. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để chứng tỏ mình và thực hiện ước mơ”…
Chương trình đưa các em có hoàn cảnh đặc biệt, chăm ngoan, học giỏi đi tham quan, giao lưu với TE tại Làng trẻ em SOS Lâm Đồng được tổ chức thường niên. Mỗi năm, sở chọn một đối tượng tham gia, năm 2013 TE nghèo, năm 2014 đối tượng là TE tham gia trong các Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng, chống HIV/AIDS” trong tỉnh. Theo đó, sở gửi công văn đến Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố. Ở đây, các phòng sẽ lựa chọn và báo cáo số lượng, hoàn cảnh, thành tích của từng em để Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) xem xét và sắp xếp thời gian, địa điểm tham quan. Với những hiệu quả của chương trình đem lại, sở sẽ tiếp tục thực hiện và đưa các em thiếu nhi ở những hoàn cảnh khác nhau đi tham quan vào các năm tiếp theo.
Chị Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, chương trình giao lưu là một trong những hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em năm 2015. Đây là sân chơi bổ ích để các em có dịp giao lưu, tham quan, vui chơi giải trí với TE có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, nhằm khuyến khích và động viên các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống tích cực tham gia các hoạt động xã hội và học tập tốt hơn; bảo đảm tính thiết thực giúp cho các em có cơ hội cập nhật những thông tin, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nhằm củng cố kiến thức, trao đổi thông tin rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ mình và tham quan, vui chơi, giải trí với TE sống tại Làng SOS Lâm Đồng; thu hút và tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của TE trong việc tuyên truyền về phòng chống xâm hại, ngược đãi, tai nạn thương tích và HIV/ AIDS cho TE; chống kỳ thị và phân biệt đối xử với TE và người nhiễm HIV/AIDS.
THANH TRÚC